Chuyên mục
Làm bánh Nông nghiệp 4.0

Công nghệ bảo quản Nhật Bản: Giúp rau quả tươi 20 ngày

Công nghệ chiết xuất Polyphenol từ hạt của trái nho góp phần giúp kéo dài thời gian bảo quản rau quả vừa được Trường Đại học Tohoku (Nhật Bản) giới thiệu đến Việt Nam.

Giúp táo tươi 250 ngày

Được cho là ứng dụng công nghệ sinh học mới trong công tác bảo quản nông sản sau thu hoạch (STH), Giáo sư Jiro Kanto  của Trường Đại học Tohoku cho biết, polyphenol có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, khử mùi nên sẽ giúp ức chế quá trình tự hoại bên trong rau quả. Bằng cách in, tẩm hoạt chất này vào màng vải, bọc nhựa PP hoặc thùng carton, polyphenol sẽ phát huy hiệu quả khi tiếp xúc trực tiếp thực phẩm hoặc bay hơi xung quanh môi trường bảo quản.

Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư cho biết, yếu tố quan trọng đặt ra đối với ngành nông nghiệp hiện nay để chống tổn thất sau thu hoạch là triển khai đồng bộ các giải pháp: Quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị từ khâu thu hái đến bảo quản. Trước mắt, cần xây dựng hệ thống kho dự trữ hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế để có chất lượng nông sản tốt nhất, giảm tổn thất sau thu hoạch. Ngoài ra, các thiết bị lưu chuyển nông sản trên thị trường cũng cần được tăng cường để bảo đảm chất lượng tốt sau một chặng đường dài vận chuyển.

Từ thử nghiệm và ứng dụng thực tế, công nghệ này giúp các loại thực phẩm như nấm, đậu, salat và các loại trái cây kéo dài thời gian tươi lâu từ 15 – 20 ngày. Thử nghiệm trên trái táo, polyphenol giúp thời gian bảo quản kéo dài 250 ngày, tỷ lệ hư hỏng 50%. Một số tác động sinh hóa thúc đẩy enzim còn giúp tăng lượng đường trong trái lê lên 1,5%. Cùng với các điều kiện đi kèm như phương thức canh tác, nhiệt độ bảo quản, ông Jiro Kanto cho biết các túi bảo quản này đã được các phi hành gia Nhật Bản sử dụng để lưu trữ thực phẩm trên các trạm vũ trụ.

Công nghệ này được thương mại hóa thông qua Công ty Okadaeco và Mikieco tại Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) này cũng khuyến cáo hiệu quả sử dụng tốt nhất là 1 lần, đúng kích cỡ bao và quy trình kỹ thuật bảo quản. Vì loại màng vải có giá thành cao nên sản phẩm bọc nhựa PP có in tiền chất polyphenol bên trong được rất nhiều DN, nông dân có mặt tại buổi giới thiệu tổ chức mới đây ở TP.HCM bày tỏ quan tâm.

Một DN kinh doanh mãng cầu ở Tây Ninh cho biết, giải pháp này rất tốt, nhưng phải tính toán lại về hiệu quả kinh tế. “Họ tính giá thành trên đơn vị từng bao đựng, chứ không phải tính theo kg. Phải có số lượng đơn hàng, chủng loại sản phẩm cụ thể họ mới báo giá được”.

Bà Nguyễn Bích Nam – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ TP.HCM cho rằng công nghệ này góp thêm một giải pháp cho công tác bảo quản STH. “Tuy nhiên, đối với các DN xuất nhập khẩu thì phải kiểm nghiệm thêm vì thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan thường kéo dài. Nhiều DN trong nước xuất khẩu gạo đi Canada đã có thời hạn bảo quản và sử dụng 2 năm. Trong khi công nghệ này chỉ giúp kéo dài thời gian bảo quản trong 6 tháng, do đó phải tính toán kỹ mới áp dụng được”.

Khó triển khai vì quy mô sản xuất nhỏ

Thạc sĩ Vũ Thị Quyền (Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới) cho biết, công nghệ STH ở Việt Nam hiện nay chỉ ở mức dưới trung bình, dẫn đến nông phẩm không có thương hiệu, chủ yếu phải xuất khẩu ở dạng thô, khiến giá trị gia tăng thấp.

Tại Việt Nam, trung bình tổn thất STH đối với cây có hạt là 10%, đối với cây củ 10 – 20% và đối với rau quả là 10 – 30%. Năm 2015, tổn thất STH là khoảng 21 triệu tấn trên tổng lượng rau quả. Nguyên nhân do khâu đóng gói lưu kho, nấm mốc ký sinh trùng, dịch bệnh do môi trường khí hậu, quá trình xử lý STH chưa được chú trọng. Vì vậy các công nghệ bảo quản các loại rau  quả, củ… là vô cùng quan trọng, giúp giảm được hiện tượng “mất mùa trong nhà”, giảm tổn thất về số lượng và chất lượng, góp phần duy trì chất lượng nông sản.

Ông Nguyễn Đình Hậu – Vụ trưởng Vụ Khoa học- Công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật (Bộ Khoa học- Công nghệ) chia sẻ: “Hiện đã có một số hoạt động nghiên cứu công nghệ STH trong bảo quản lúa gạo, chế biến nông sản. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khi triển khai ra ngoài thực tiễn với điều kiện canh tác theo quy mô nhỏ, thiếu quy hoạch như hiện nay thì việc ứng dụng công nghệ khá khó khăn”. Thực tế, đã có một số nơi đang áp dụng những công nghệ bảo quản nông sản như: Công nghệ chiếu xạ, công nghệ bao gói khí điều biến (MAP), công nghệ bảo quản bằng chế phẩm tạo màng phủ…

Tuy nhiên, những công nghệ hiện đại này mới chỉ là số ít và thực hiện lẻ tẻ tại một số địa phương. Các sản phẩm nông sản chủ lực sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được người dân xuất bán ngay, số còn lại chủ yếu vẫn được bảo quản sơ sài theo phương pháp truyền thống như thu hoạch xong đóng bao bán ngay hay phơi khô đựng vào bao chứa trong nhà…

Nguồn: Dân Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *