Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Nhật kí chuyến thăm cơ sở sản xuất Đường Thốt Nốt tại Tịnh Biên, An Giang ngày 20/02/2019

Sau khoảng 6h đồng hồ đi xe đò, đến 5h giờ sáng ngày 20/02/2019, team FOODMAP chúng tôi cũng đã đặt chân đến thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Chỉ có vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ cho việc ăn uống, nghỉ ngơi và cất đồ, 6h sáng, chuyến đi của chúng tôi mới thực sự bắt đầu.

Từ Châu Đốc, chúng tôi đã di chuyển sang Tịnh Biên để đến được với hộ gia đình của chú Hai Tuấn – một hộ gia đình có bề dày lịch sử thuộc hạng lâu đời nhất (từ sau những năm giải phóng đến nay, hơn 30 năm kinh nghiệm) về việc sản xuất các sản phẩm từ cây thốt.

“Nói đến thốt nốt, có hàng tá thứ mà chúng ta có thể làm được với gỗ cây, lá, quả hay thậm chí là cả hoa của cây thốt nốt”, theo như chú Hai Tuấn chia sẻ. Trong số các sản phẩm đó, không thể nào không kể đến đường thốt nốt được. Rất nhiều người, kể cả chúng tôi bị lầm tưởng rằng đường thốt nốt được làm từ quả của cây thốt nốt, nhưng thật bất ngờ, sau quá trình tìm hiểu thì chúng tôi mới biết được rằng đường thốt nốt được sản xuất từ một loại nước chiết suất từ hoa của cây thốt nốt, và đây cũng chính là sản phẩm của chiến dịch lần này mà FOODMAP mong muốn gửi đến bà con cô bác, món đặc sản trứ danh của vùng đất Tịnh Biên, An Giang – đường thốt nốt.


Vườn thốt nốt tại Tịnh Biên, An Giang.

Cầm hũ đường trên tay, có ai biết rằng để sản xuất ra được 1 kg đường thì sẽ vất vả như thế nào? Thực sự rất may mắn cho team FOODMAP khi chú Hai Tuấn nhận lời chia sẻ về quá trình làm đường gia truyền của nhà chú. Hôm nay, FOODMAP xin được tóm lại quá trình ấy dưới dạng một bài toán như sau: “1 kg đường thốt nốt cần những gì?”

Ba anh em chúng tôi đã dành cả ngày chỉ để đi tìm câu trả lời cho bài toán ấy. Trước tiên, điều kiện cần của bài toán là: những cây thốt nốt này phải có tuổi đời ít nhất là 15 năm tính từ lúc trồng cây; và điều kiện đủ là: hoa của cây thốt nốt đã đạt đến thời điểm có thể chiết suất được nước để làm đường.

Và lời giải cho bài toán như sau:

Mỗi ngày, người nông dân phải leo khoảng 50 cây thốt nốt, chia làm 2 buổi sáng và chiều, trung bình mỗi cây mất khoảng 10 -15 phút để leo và thu hoạch nước hoa thốt nốt. Mỗi bông hoa thốt nốt cần ít nhất 4 ngày (3 ngày để kẹp hoa + 1 ngày để ngâm hoa trong nước lạnh) thì mới lấy nước được. Những người nông dân ấy ngày nào cũng thức dậy từ tờ mờ sáng để bắt đầu công việc, hông thì đeo dao và cây kẹp, tay thì xách hàng chục những chai đựng để thu hoạch nước hoa thốt nốt. Nhìn cảnh chú Hai Tuấn đã ở độ tuổi 58 phải leo cái độ cao hơn 15 mét (tính từ mặt đất tới đỉnh cây) mỗi ngày chỉ bằng những cây tre cột vào thân cây thốt nốt mà chúng tôi không khỏi khiếp sợ và xót xa. Đôi bàn tay, bàn chân của chú đã trở nên thô xạm, rắn rỏi nhưng cực kì linh hoạt và dẻo dai, thoắt một cái chú đã lên tới ngọn cây khiến chúng tôi vô cùng kinh ngạc.

Dưới cái nắng gay gắt của mặt trời, những con gió khô hốc hác thổi qua khiến chúng tôi ram cả da, ấy vậy mà chú có thể chịu đựng như vậy hơn 8 giờ đồng hồ mỗi ngày, thực sự chúng tôi vô cùng khâm phục. Từng chai nước rỗng được đem lên ngọn cây để đổi lấy những chai nước đầy đem xuống. Cứ vậy, chúng tôi gom tất cả lại trong một can lớn để mang về và chuẩn bị cho quá trình sản xuất đường.

Chú Hai Tuấn ở trên ngọn cây thốt nốt.

Hoa thốt nốt (cây đực)

Chú Hai Tuấn chia sẻ, đối với chú, chú dùng cây sến, một loại cây mà Việt Nam mình đã không còn, phải mua từ Campuchia về với giá 7000đ/kg, chặt ra và phơi khô để bỏ vào nước hoa thốt nốt, nó giúp cho nước có vị thơm mà không bị chua, còn những người khác họ dùng hoá chất hay gì thì chú không biết, có thể sẽ nhanh hơn, tiện hơn nhưng lương tâm chú không cho phép làm điều đó.

Chú Tuấn giải thích về cây Sến

Nước hoa thốt nốt sau khi đem về được lọc sạch cặn, đổ vào 1 nồi lớn, đun với lửa to, vớt bọt liên tục cho tới khi thứ nước ấy keo lại và có màu vàng sóng sánh như mật ong thì đó được gọi là đường non. Nếu tiếp tục đun lửa cho tới khi nó sền sệt một màu hổ phách thì món đường thốt nốt đã hoàn thành được 90% rồi đó. Nhờ một máy đánh tự chế, nước đường sẽ được đánh đều tới khi chuyển sang trạng thái cực sệt và mịn với một màu vàng nâu đặc trưng, toát lên 1 mùi thơm không thể lẫn với bất kì loại đường nào khác thì món đường thốt nốt trứ danh đã hoàn tất. Đường thốt nốt có vị ngọt rất thanh, tan ngay trong miệng, có thể dùng thay cho đường cát hay đường tinh luyện để nấu ăn, pha nước uống,… vừa đem lại mùi vị đặc trưng, vừa có lợi cho sức khoẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì cho người sử dụng. Tuy vậy, để có được 1 kg đường ấy phải mất khoảng hơn 6 lít nước hoa thốt nốt, và để có được 6 lít nước hoa thốt nốt, chắc chắn sẽ mất rất nhiều mồ hôi, công sức và nước mắt của người nông dân, thật sự rất đáng quý.

Thành quả sau một ngày làm việc – những hũ đường thốt nốt hoàn thiện.

Một ngày trải qua với team FOODMAP tại nơi đây quả thực mang đến rất nhiều kiến thức bổ ích, những trải nghiệm thú vị cũng như những xúc cảm không thể nào quên. Khi được cầm hũ đường do chính mình góp công làm ra trên tay, cảm xúc lúc đó như vỡ oà, những nụ cười xuất hiện rạng rỡ trên khuôn mặt của mỗi người dường như đã xoá tan đi mọi vất vả, cực nhọc của một ngày dài từ 6 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Tụi con thật sự rất biết ơn gia đình chú vì đã nồng hậu đón tiếp tụi con, dành cả 1 ngày trời để chia sẻ những điều thú vị xung quanh cây thốt nốt cũng như quá trình sản xuất ra món đường thốt nốt không hoá chất, không phụ gia, an toàn cho sức khoẻ và đặc biệt 100% từ nước cây thốt nốt của gia đình chú. Một lần nữa, tụi con xin chân thành cảm ơn gia đình chú Hai Tuấn. Tụi con xin chúc gia đình chú một năm mới dồi dào sức khoẻ, an khang, thịnh vượng và vạn sự như ý, chúc cho sản phẩm đường thốt nốt của nhà mình buôn may bán đắt và được biết đến rộng rãi hơn nữa vì sức khoẻ và thói quen tiêu dùng tốt cho cộng đồng!

— Viết bài: Nhat Tran từ FoodMap Team —

Mời mọi người cùng xem thêm video clip về chuyến đi này của FoodMap Team nhé:

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc

Gần đây trên truyền thông có nhiều thông tin trái chiều về ngành làm nước mắm truyền thống. Do đó những người bạn FoodMap muốn đi tận nơi, trông tận mắt để tìm hiểu về nghề làm nước mắm truyền thống tại Đảo Phú Quốc – hòn đảo ngọc của Việt Nam.

Lần này FoodMap đi tham quan cơ sở sản xuất nước mắm Thanh Hà, là một trong những doanh nghiệp sản xuất nước mắm lâu đời nhất của Phú Quốc và của Việt Nam. Trong video này, FoodMap sẽ dẫn bạn đi từ công đoạn thu hoạch cá, cho cá vào thùng, kiểm tra mẫu nước mắm và đóng gói. Thêm vào đó, bạn cũng sẽ được cùng FoodMap theo chân những ngư dân ra cửa biển để ra khơi đánh bắt cá.

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Lòng vòng Phú Quốc cùng FoodMap Team

Sẵn dịp đi tham quan cở sở sản xuất nước mắm Thanh Hà tại Phú Quốc, FoodMap Team đã có cơ hội đi dạo lòng vòng quanh hòn đảo xinh đẹp này! Hai anh em ton ton trên một chiếc xe máy, cứ thế rong ruổi khắp các nẻo đường, băng qua chợ Dương Đông với đủ các loại thuỷ quái, ghé một vài quán cà phê khá đẹp và nổi tiếng tại Phú Quốc, đi dạo trên Cầu cảng quốc tế, TẮM TIÊN tại bãi biển không người và đặc biệt là tham quan thiền viện Trúc Lâm – chùa Hộ Quốc rất hoành tráng!

Mời mọi người cùng theo chân FoodMap Team xem Phú Quốc có gì thú vị nhé!

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Hành Trình Hạt Mắc Ca Từ Queensland (Úc) Đến Việt Nam

Sản phẩm hạt mắc ca HappyNut của FoodMap.asia được nhập khẩu từ những trang trại mắc ca thuộc vùng Queensland, Úc. Nơi đây vốn nổi tiếng là vùng trồng mắc ca tốt nhất thế giới nhờ điều kiện khí hậu lý tưởng cho sự sinh trưởng và phát triển của loại cây này. Quả mắc ca tươi có màu xanh, khi chín vỏ quả khô đi, chuyển dần sang màu nâu. Bên trong quả mắc ca không có lớp thịt mềm mà chỉ có hạt màu nâu sẫm, nhân hạt màu trắng sữa chính là phần chứa giá trị dinh dưỡng của hạt. Sau khi thu hoạch, hạt mắc ca được tách bỏ lớp vỏ mềm, phân loại và vận chuyển sang Việt Nam.

Khi về Việt Nam, mắc ca trải qua quá trình rang, đánh nứt vỏ và đóng gói thành phẩm. Những gói hạt mắc ca thơm ngon, giàu dinh dưỡng mà FoodMap.asia giới thiệu đã được tuyển chọn kỹ càng để đảm bảo không chứa hóa chất, phẩm màu hay bất kỳ hương liệu nhân tạo nào, đúng như tiêu chí Ngon và LànhFoodMap.asia cam kết.

Nguồn: Video từ chuyến khảo sát của TBK & FoodMap tại Queensland – Úc

Biên tập bởi: FoodMap Team

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Hồng Treo Gió Đà Lạt – Cầu Đất

Hồng treo gió Hoshigaki theo quy trình Nhật Bản đang là một món ăn cực kỳ hot trên cộng động mạng. Quả hồng treo gió có độ ngọt vừa phải, cơm hồng dai dai, giòn giòn và bên trong đầy mật. Mời các bạn cùng team Foodmap đi chuyến khảo sát thực tế từ vườn hồng đến nơi sản xuất hồng treo tại Đà Lạt.

Tìm hiểu thêm về sản phẩm Hồng Treo Gió Tại Đây

Chuyên mục
Kiến thức dinh dưỡng NHỮNG CHUYẾN ĐI

Tham Quan Vườn Chuối Laba Đà Lạt

Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu mát mẻ, chuối Laba phát triển mạnh mẽ trên đất Đà Lạt và trở thành đặc sản của mảnh đất nơi đây với vị thơm ngon, dẻo đặc trưng. Chuối Laba được thích nghi trồng ở khá nhiều vùng khác nhưng vẫn không có nơi nào có được năng suất và chất lượng như ở Đà Lạt – Lâm Đồng.

Mời cả nhà tìm hiểu thêm về chuối Laba tại đây nhé!

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Hành Trình Hạt Cà Phê A Lưới

Cà phê A Lưới – Huế được FoodMap và SHIN CÀ PHÊ chọn lọc kỹ lưỡng, đảm bảo 100% cà phê nguyên bản.

Mời cả nhà cùng xem chuyến hành trình của team FoodMap nhé!

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Vườn Cam Hữu Cơ Usda – Hiếu Liêm Bình Dương

Anh Đức là một người trẻ đã dấn thân vào ngành nông nghiệp, bắt đầu với việc trồng cam cách đây 10 năm. Ban đầu anh vẫn canh tác cam theo hình thức nông nghiệp thông thường, bón phân và xịt thuốc hóa học cho vườn cam.

Tuy nhiên, chính bản thân anh nhận thấy những người nhân công làm cùng mình hàng ngày phải tiếp xúc với hóa chất độc hại. Vậy nên anh đã quyết định chuyển sang nghiên cứu và canh tác vườn cam theo chuẩn hữu cơ. Vườn cam của anh Đức đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ USDA (Mỹ) và JAS (của Nhật Bản)

Mời cả nhà cùng team FoodMap ghé thăm trang trại của anh Đức nhé!

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Tham Quan Vườn Dưa Lưới Thủy Canh Bảo Lộc – Lâm Đồng

Team FoodMap tham quan vườn dưa lưới thủy canh với diện tích hơn 6000m2 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Mời cả nhà xem về chuyến đi thú vị này nhé!

Chuyên mục
NHỮNG CHUYẾN ĐI

Bưởi Thanh Trà – Đặc Sản Xứ Huế

Trong video này, FoodMap rất nóng lòng muốn giới thiệu đến các bạn một loại trai cây đặc sản đến từ vùng đất Cố đô của Việt Nam. Từ lâu, bưởi Thanh Trà đã là một đặc sản nổi tiếng của vùng đất cố đô với hương vị thơm ngon hấp dẫn rất riêng mà không phải bưởi vùng nào cũng có được.

Đặc biệt, bưởi Thanh Trà còn được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu “Thanh trà Huế” như một sự khẳng định thương hiệu với người tiêu dùng. Ai đến với mảnh đất cố đô thì đừng quên chọn mua bưởi Thanh Trà về làm quà cho bạn bè, người thân

Mời cả nhà xem video chuyến đi này của FoodMap nhé!