Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Hà Lan nổi tiếng với một nền nông nghiệp công nghệ siêu cao

Chính phủ Hà Lan mới đầu tư 2 triệu euro để mua số liệu vệ tinh thu thập nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả và tính bền vững cao.

Chính phủ Hà Lan mới đầu tư 2 triệu euro để mua số liệu do vệ tinh quay quanh quỹ đạo trái đất thu thập nhằm làm cơ sở đưa ra các giải pháp cải thiện tính bền vững và hiệu quả trong trồng trọt, thúc đẩy áp dụng công nghệ nông nghiệp chính xác.

Giám sát cây trồng bằng dữ liệu vệ tinh

Theo một số chuyên gia, canh tác chính xác ở châu Âu đã bắt đầu cách đây khoảng 20 năm. Canh tác kỹ thuật số (hay canh tác chính xác) về cơ bản là việc sử dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp để tối ưu hóa nhằm đạt hiệu quả cao.

Nghị viện châu Âu đã định nghĩa nông nghiệp chính xác là “một phương pháp quản lý nông nghiệp dựa trên việc quan sát, đo lường và ứng phó sự biến đổi giữa các cánh đồng và cây trồng hay trong việc chăm sóc vật nuôi”.

Phương pháp này nhằm tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào cũng như tác động môi trường của việc nuôi – trồng. Nó bao gồm các công nghệ dựa trên dữ liệu, kể cả các hệ thống định vị vệ tinh như GPS, viễn thám… và internet trong quản lý cây trồng và giảm thiểu việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và nước

Người nông dân thời đại canh tác chính xác có thể sử dụng ít nhất các hoá chất (thuốc trừ sâu, phân bón), góp phần bảo vệ đất và nước ngầm trong khi tăng hiệu quả sản xuất; chất lượng sản phẩm được nâng cao nhưng tiêu thụ năng lượng giảm đáng kể.

Các ứng dụng của nông nghiệp chính xác bao gồm các hệ thống hướng dẫn tự động và công nghệ đánh giá sự thay đổi, cho phép áp dụng trong các khâu làm đất, gieo hạt, bón phân, tưới nước, diệt cỏ và trừ sâu, thu hoạch và chăn nuôi một cách chuẩn nhất.

Sở dĩ Hà Lan mua dữ liệu vệ tinh phục vụ làm nông nghiệp do được sử dụng các cảm biến chuyên dụng từ xa, vệ tinh sẽ ghi lại các dữ liệu về chất lượng đất, độ ẩm, không khí và áp suất khí quyển để phân tích sự thay đổi của cây trồng và chất lượng nước. Các dữ liệu đó sẽ được các công ty có chuyên môn phân tích, công bố trên internet, nhằm tư vấn cho nông dân về tưới tiêu, bón phân, thụ phấn và dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Hơn nữa, dữ liệu vệ tinh cho phép nông dân giám sát chặt chẽ sự phát triển của cây trồng, sự xâm hại của sâu bọ và các mối đe dọa đối với mùa màng để có hành động can thiệp chính xác ở những nơi và thời điểm cần thiết. Phương pháp canh tác thông minh này giúp nông dân Hà Lan tiết kiệm đáng kể nhiên liệu, hạt giống, phân bón nhân tạo, thuốc bảo vệ thực vật và nước, đem lại hiệu quả và tính bền vững cao.

Đầu tư cao, sản xuất nhiều

Thực tế ở Hà Lan, do đất ít, điều kiện ánh sáng, nhiệt độ có hạn chế, nên giá thành sản xuất lương thực – thực phẩm cao, chất lượng sản phẩm cũng không tốt. Sản xuất nông nghiệp vì vậy đã chuyển hướng sang trồng rau, hoa, cây cảnh hoặc chăn nuôi, hoặc thông qua mở rộng quy mô sản xuất để tăng hiệu quả, hoặc chuyển sang nền nông nghiệp hữu cơ…

Người Hà Lan tự tìm tòi khám phá lợi thế của một nước nhỏ, nghèo tài nguyên thiên nhiên, biết tranh thủ nguồn lực từ tài nguyên và thị trường thế giới để không ngừng đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng tối ưu hoá, tạo ra những thành công về nông nghiệp. Nhà nước coi trọng nhiệm vụ cải tạo đất, đầu tư bình quân trên 4.000 euro/ha năm; nhà nước còn tài trợ chỉnh lý đất đai, biến các thửa ruộng nhỏ liên kết thành thửa lớn liền nhau, xây dựng hệ thống kênh rạch, đảm bảo yêu cầu cơ giới hoá…

Đặc biệt, vì thiếu đất canh tác, Hà Lan thực thi chiến lược “đầu tư cao – sản xuất nhiều” – một đặc trưng nổi bật của nền nông nghiệp Hà Lan. Nhờ đó, Hà Lan có kết cấu hạ tầng nông nghiệp rất tốt. Tốc độ phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp Hà Lan cũng được xếp vào tốp những nước hàng đầu thế giới, đặc biệt là thành tựu tạo giống và nhà kính, với phương thức đầu tư tập trung vốn và chất xám, theo phương châm đầu tư cao, thu nhập cao, hiệu suất cao.

Với quỹ đất ít, Hà Lan áp dụng công nghệ “tăng diện tích đất”, tập trung áp dụng các biện pháp thâm canh cao, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích, tạo ra năng suất cao gấp nhiều lần so với năng suất bình quân của thế giới.

Theo Tổng cục Thống kê Hà Lan, năm 2016, xuất khẩu nông sản thực phẩm Hà Lan đạt gần 94 tỷ euro (so với 90 tỷ năm 2015), trong đó, các sản phẩm nông nghiệp chiếm 85 tỷ euro (tương đương 22% tổng kim nghạch xuất khẩu); nguyên liệu nông nghiệp, tri thức và công nghệ chiếm 9 tỷ – một kỷ lục mới. Doanh số xuất khẩu vật liệu nhà kính tăng nhiều nhất (370 triệu euro).

Được biết, có trên 10 sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Hà Lan xuất khẩu đứng thứ nhất và thứ hai thế giới như: hoa tươi, cà chua, khoai tây, hành tây, trứng gà, pho mát, sữa đặc, bia đại mạch, bánh ca cao, dầu ca cao, thịt lợn, sô-cô-la và thuốc lá.

Điều đáng nói, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hà Lan năm 2016 chỉ đứng sau Mỹ, nhưng hiệu quả và tính cạnh tranh lại cao nhất thế giới. Hiệu suất lao động tuy thấp hơn Mỹ một chút, nhưng hiệu suất đất thì cao hơn hẳn mọi nước trên thế giới.

Nền nông nghiệp phát triển như vậy nhưng tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 1,6 % GDP và chỉ chưa đến 1,5 % dân số Hà Lan (số liệu 2016) tham gia sản xuất để làm nên kỳ tích được ngưỡng mộ như vậy.

Một chi tiết đáng chú ý là nhu cầu về vật liệu nông nghiệp của Hà Lan, đổi mới và công nghệ chính xác ngày càng tăng, ví dụ như nhà kính tiết kiệm năng lượng, các hệ thống nông nghiệp chính xác (thông qua GPS và thiết bị bay không người lái) và những phát minh mới làm cho cây trồng có khả năng chống lại các tác động của biến đổi khí hậu và bệnh tật…

Sự phát triển liên tục này phù hợp với chiến lược của Hà Lan về xuất khẩu – củng cố vị trí hàng đầu của nước này trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm thông qua xuất khẩu kiến thức và đổi mới, ngoài các nông sản truyền thống – một lĩnh vực mà Hà Lan là một trong những nước đứng đầu thế giới./.

Hà Lan đang xây dựng Khu Thử nghiệm Quốc gia về canh tác chính xác – nơi những phát minh, các giống mới và công nghệ mới nhất sẽ được thử nghiệm trong điều kiện thực tiễn và tiếp tục phát triển trước khi chào hàng đến nhà nông.

Bộ Kinh tế Hà Lan đã đầu tư hơn 2 triệu euro cho giai đoạn đầu 4 năm của dự án này nhằm đảm bảo nông nghiệp Hà Lan có thể sản xuất một cách bền vững hơn và hiệu quả hơn, tiếp tục duy trì được vai trò tiên phong của mình. Ngành công nghiệp sẽ rót thêm 8 triệu euro trong vòng 4 năm tới.

Trước đó, Bộ kinh tế Hà Lan đã thông báo đầu tư 16,5 triệu euro cho dự án “HighTech 2 Feed the World” nhằm thúc đẩy đổi mới, như áp dụng các công nghệ từ lĩnh vực y khoa hoặc thăm dò không gian trong nông nghiệp.

Bộ này cũng đã cung cấp gần 12 triệu Euro cho hai quỹ đầu tư mới giúp những người khởi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp – trồng trọt – thực phẩm – công nghệ, tạo cơ hội thành công cho những người khởi đầu đang hoạt động tại giao lộ giữa nông nghiệp và công nghệ.

Ngoài ra, có 500.000 euro khác dành cho dự án ‘tăng tốc khởi động’, để các công ty có kinh nghiệm hỗ trợ người mới khởi nghiệp trong việc áp dụng các công nghệ mới.

Nguồn: vov.vn

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Một nông dân Australia chế tạo thành công robot nhổ cỏ

Một nông dân Australia vừa thông báo đã chế tạo được một loại robot có khả năng nhổ cỏ, hứa hẹn đem lại cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp trên khắp thế giới.

Nông dân Andrew Bate, người chế tạo loại robot nhổ cỏ này, cho biết robot của ông rất đơn giản và khá nhỏ, không giống những cỗ máy lớn tốn kém hàng trăm nghìn USD.

Dự kiến, loại robot này sẽ được chế tạo hàng loạt để tung ra thị trường vào cuối năm nay.

Loại robot nhổ cỏ này vừa được đưa ra giới thiệu tại một hội thảo về người máy trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra ở Đại học Sydney.

Cũng tại hội thảo này, tiến sỹ Robert Fitch, thuộc Trung tâm phát triển Robot (ACFR) của Australia cho biết ông cũng đang nghiên cứu chế tạo một robot diệt cỏ dại với kích cỡ nhỏ nhưng nhanh nhẹn, có thể di chuyển chậm, đứng lại và nhổ cỏ mà không làm đất bị nén chặt.

Theo tiến sỹ Robert, sử dụng robot là một mô hình mới trong canh tác nông nghiệp, nhờ đó người nông dân có thể giảm bớt sức lao động, trong khi lại tăng tối đa năng suất nông nghiệp.

Nguồn: khoahoc.tv

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Một nông dân chế tạo thành công máy thu hoạch mía

Ông Đoàn Quang Phong (63 tuổi) là nông dân ở thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã “chế tạo” thành công chiếc máy thu hoạch cây mía trên nền chiếc máy cày KUBOTA 1500.

Chiếc máy này hoạt động được trên tất cả địa hình đồng ruộng, vừa chặt, bóc lá, bẻ đọt, mỗi giờ cho ra thành phẩm 10 tấn mía cây ( tăng gấp 10 lần so lao động thủ công). Sau khi máy thu hoạch, người lao động chỉ việc thu gom, bốc xếp lên xe để vận chuyển cung cấp cho nhà máy chế biến đường.

Xã Quảng Sơn là một trong những vùng nguyên liệu mía của tỉnh, hàng năm tới vụ thu hoạch thường thiếu công lao động; hơn nữa việc thu hoạch mía bằng phương pháp thủ công, vất vả nhưng năng suất thấp, không kịp thời vụ, dẫn đến tình trạng mía khô, mía cháy.

Từ thực tế của gia đình, ông Đoàn Quang Phong suy nghĩ tìm cách đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch mía để giảm sức người, đồng thời nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất mía tại địa phương. Bản thân là nông dân, ông Đoàn Quang Phong không có tay nghề cơ khí; không có tiền mua vật liệu, gia công chế tạo máy; gia đình ông ban đầu cũng không tin vào việc làm của ông sẽ đạt hiệu quả.

Với niềm đam mê của mình, ông tự nghiên cứu tài liệu, vận động, thuyết phục vợ con, cuối cùng cả gia đình đồng tình cho ông “chế tạo máy cắt mía”.

Từ nguồn kinh phí của các con hỗ trợ, nhất là sự cộng tác đắc lực của con trai là Đoàn Quang Thái (vừa mới tốt nghiệp khoa Cơ khí, chuyên ngành Chế tạo máy, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh), sau nhiều lần miệt mài thiết kế, chế tạo, thử nghiệm thực tế không thành công phải làm lại nhiều lần, cuối cùng ông cũng cho ra đời chiếc máy đưa vào thu hoạch mía đạt hiệu quả.

Ông rất mong các ngành quan tâm công nhận bản quyền sáng chế và xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất nhiều máy cắt mía đạt chất lượng cao, chi phí thấp, phục vụ tốt việc thu hoạch mía.

Nguồn: khoahoc.tv

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Nhà máy trồng rau: Không cần mặt trời, tiết kiệm 95% nước, năng suất cao

So với các trang trại vận hành theo lối cũ phải phụ thuộc vào đất trồng và ánh nắng mặt trời, các trang trại công nghệ cao cho sản lượng gấp 100 lần mà chỉ sử dụng 5% lượng nước thông thường.

Trồng trọt, ngay cả ở dạng hiện đại hay siêu công nghiệp, vẫn đang dựa vào công nghệ khá cũ kỹ: vận dụng ánh nắng mặt trời, đất, mùa màng, và máy kéo.

Với tiêu chuẩn của những các kỹ sư công nghệ, những người đã quen với các trang trại chạy bằng dữ liệu máy tính 24/7, thì lối canh tác trên vô cùng lộn xộn và kém hiệu quả.

Cũng không quá ngạc nhiên khi các trang trại công nghệ này lại trông giống một trung tâm dữ liệu của Amazon hơn là một vườn táo hữu cơ. Một làn sóng các doanh nghiệp đang vội vã tìm cách trồng khối lượng lớn thực phẩm trong các nhà kho khổng lồ, sử dụng đèn LED thay vì ánh nắng mặt trời và xếp chồng lên nhau các kệ chứa dung dịch dinh dưỡng thay vì chứa đất.

Mô hình nông nghiệp đô thị đặc biệt này tập trung vào hệ thống máy tính để theo dõi hàng ngàn điểm dữ liệu và liên tục điều chỉnh các điều kiện cho cây cối sinh trưởng. Marc Oshima, đồng sáng lập của AeroFarms, một trong những trang trại thẳng đứng lớn nhất thế giới, cho biết công ty này sử dụng “các thuật toán phát triển sâu rộng, trong đó chúng tôi phân tích mọi khía cạnh từ loại và cường độ ánh sáng tới các chất dinh dưỡng, đến các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, mức CO2, và chúng tôi tạo ra công thức hoàn hảo cho mỗi loại rau”.

Trái với các doanh nghiệp nông nghiệp truyền thống luôn thiết kế cây trồng của họ để phù hợp với môi trường canh tác – ví dụ như nâng cao sức kháng nấm mốc của cây – thì các công ty này lại điều chỉnh môi trường cho phù hợp với giống cây trồng.

Thiết lập một trang trại như vậy không hề rẻ. AeroFarms tại New Jersey đã thu được hơn 50 triệu USD và cho biết còn có thể sản xuất 2 triệu pound (hơn 900 tấn) thức ăn mỗi năm trong “các tháp phát triển” tại cơ sở rộng 21.000m vuông ở Newark. Công ty Gotham Greens đã đầu tư 8 triệu đô la để xây dựng một trang trại trên mái nhà ở khu phố Pullman, Chicago. Vào tháng Hai, một startup tên Bowery Farming tại New Jersey đã thu hút được 7,5 triệu USD vốn đầu tư, bắt đầu bán rau “nhà trồng được” tại siêu thị Whole Foods và một vài nhà hàng trong khu vực.

Những trang trại công nghệ cao thường được phát triển bởi các doanh nhân có nền tảng về tài chính và các doanh nghiệp phi nông nghiệp khác, “chắc chắn tốn kém hơn nhiều, nhưng chi phí sẽ được cân bằng bởi năng suất cao hơn”, ông Irving Fain, CEO của Bowery cho biết. Bowery ước tính mỗi 30cm vuông thì cơ sở của mình có năng suất gấp 100 lần so với một trang trại điển hình.

Fain nói hệ điều hành của Bowery tự động giám sát “hàng trăm nghìn điểm dữ liệu về sức khoẻ, chất lượng, sự tăng trưởng, năng suất, mùi vị và hương vị của cây trồng”.Bowery cũng được thiết kế để “tự động hóa các quy trình được thâm canh bằng tay” để “trang trại tự động chạy”. Cũng do môi trường được kiểm soát chặt chẽ và không có mùa màng, nên có nhiều chu kỳ thu hoạch hơn – AeroFarms có đến 30 vụ thu hoạch mỗi năm.

Cho đến nay, các trang trại trong nhà cần nhiều vốn này đã tập trung vào việc trồng các loại rau hợp thời, có thể bán cho những người thích ăn salad trong khu vực – như cải xoăn kale, xà lách, xà lách rocket và húng quế. Một hộp rau AeroFarms có giá 3,99 USD, của Bowery Farming là 3,49 USD, đắt hơn nhiều so với loại thường. Và đó là thách thức chính mà các startup này phải đối mặt: không thể có sản phẩm giá rẻ tại siêu thị.

Mặc dù hiện nay vẫn còn là một sản phẩm khá đắt đỏ, nhưng các công ty đang ấp ủ những kế hoạch lớn hơn. “Khi đã mở rộng quy mô, chúng tôi dự định sẽ tiếp tục giảm chi phí và cung cấp sản phẩm chất lượng cao nhất với mức giá mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận”, ông Fain nói.

Còn ông Oshima cho biết AeroFarms đang xem xét các loại cây trồng khác như: dâu, ớt, và dưa chuột. “Chúng tôi tập trung vào việc tìm cách biến đổi nông nghiệp trên toàn thế giới”, ông nói.

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Nông dân trẻ chế tạo máy nông nghiệp đa năng

Nông dân trẻ Tạ Đình Huy (SN 1982) chế tạo máy nông nghiệp tích hợp 12 công năng, tiện ích, nhận được hơn 1.000 đơn hàng khắp cả nước.

Rẽ ngang

Sinh ra và lớn lên ở xã Thượng Vực (Chương Mỹ, Hà Nội), học xong phổ thông, Huy không thi đại học mà quyết định học sửa chữa xe máy rồi mở cửa hàng sửa xe đông khách. Dù công việc ổn định nhưng Huy luôn canh cánh trong lòng về nông dân ở quê lao động chân tay vất vả nhưng năng suất lao động thấp.

Năm 2005, Huy bắt tay nghiên cứu chế tạo máy nông nghiệp đa năng. Sau thời gian tìm hiểu qua mạng, xem kỹ các mô hình, trực tiếp ra cánh đồng xem bà con lao động, Huy lên ý tưởng, vẽ mô hình máy phù hợp. Qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh đã chế tạo thành công chiếc máy có công dụng làm đất, rồi nâng thêm 2 công năng: phun thuốc, bơm nước. Tuy nhiên, chiếc máy đầu tiên vẫn sơ sài, cồng kềnh, hiệu quả thấp, chỉ hoạt động trên mô hình đồng bằng. Năm 2010, Huy quyết định bỏ hẳn nghề sửa chữa xe máy trong lúc đang ăn nên làm ra để lặn lội đến nhiều tỉnh thành tìm hiểu đặc điểm địa hình, lao động của nông dân.

Năm 2014, Huy cho ra mắt chiếc máy nông nghiệp gồm 8 chức năng hoàn chỉnh có thể cày, bừa, xới tơi đất, rạch luống, gieo hạt, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, bơm nước tưới tiêu. “Lúc thử nghiệm thành công, mình vỡ òa trong hạnh phúc, rưng rưng nước mắt. Chiếc máy đã hỗ trợ được phần lớn việc nặng nhọc cho bà con nông dân”, anh nói.

Đăng ký bản quyền, công bố sáng chế máy nông nghiệp “8 trong 1”, anh Huy nổi tiếng cả nước. Sáng chế được đánh giá ưu việt về kỹ thuật và kinh tế. Giá thành một chiếc máy chỉ từ vài triệu đến 13 triệu đồng (tùy vào số lượng công năng), nhưng có năng suất lao động gấp hơn 5 lần sức trâu, hơn 10 lần sức người.

Máy “12 trong 1”

Không bằng lòng với những thành công đạt được, anh Huy tiếp tục đầu tư, nghiên cứu nâng cấp chiếc máy của mình. Mới đây, anh nâng cấp chiếc máy lên “12 trong 1”. Máy được bổ sung 4 công năng: Đào bùn cà phê, đảo phân vi sinh, cấy lúa, di chuyển vật nặng trong vườn. Huy cho biết, cải tiến của anh mang tính đột phá khi có thể áp dụng cả 12 công năng vào những địa hình đa dạng.

“Một phút máy đào bùn cà phê đào được 1,5m, sâu 40cm, rộng 40cm; di chuyển các vật nặng có trọng lượng vài tạ trong vườn một cách dễ dàng. Một người điều khiển máy có thể làm sạch 5 mẫu cỏ trong một buổi sáng, hay phun thuốc sâu cho 1ha chỉ trong 30 phút, giá thành sản xuất chưa tới 20 triệu đồng”, anh nói.

Những chiếc máy nông nghiệp đa năng được chế tạo 4 kiểu dáng chính tùy số lượng các công năng trên máy. Khung máy và các chi tiết, công cụ được làm từ sắt, thép công nghiệp. Kích thước máy chuẩn: Rộng 50cm, dài 120cm, cao 70cm. Tổng trọng lượng khoảng 90kg (lắp ít công năng chỉ khoảng 40-50kg). Thân máy được trang bị động cơ xe máy, bánh răng, bánh lốp, bình xăng, ống xả khí, ghế ngồi, tay điều khiển, trục động cơ. Máy có năng suất gấp 20 lần sức người.

“Ở thân máy trang bị một chiếc trục. Khi cần dùng bộ công cụ công năng nào chỉ việc lắp ráp vào, thay đổi vận tốc trục sẽ chuyển sang công năng khác. Như phun thuốc trừ sâu, chỉ cần lắp bình thuốc, vòi phun vào vận hành. Máy nằm một chỗ, thông qua các vòi phun dài hàng chục mét có thể dễ dàng phun thuốc trên diện rộng”, anh Huy nói.

Anh Huy kể, 3 năm gần đây đã sản xuất hơn 1.000 máy theo đơn hàng của nông dân trên cả nước. Anh nhận được không ít lời mời hợp tác sản xuất từ các công ty cơ khí, nhưng đều từ chối. Về chiếc máy 12 công năng, anh cho biết, đang viết giải pháp và hoàn thiện hồ sơ đăng ký bản quyền.

Ông Đặng Đình Trắc, Phó chủ tịch xã Thượng Vực, cho biết, chiếc máy nông nghiệp “12 trong 1” được đông đảo bà con trong xã mua và sử dụng hiệu quả. “Trong xã có hơn 100 hộ dân mua chiếc máy của Huy phục vụ nông nghiệp”, ông Trắc nói.

Theo Tiền Phong

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Nông nghiệp công nghệ cao “Made in Israel”

Không phải một đất nước nào bé và non trẻ như Israel lại cống hiến cho ngành nông nghiệp công nghệ cao nhiều như đất nước này.

Mặc cho điều kiện địa lý không phù hợp, Israel là một trong những đất nước phát triển nhất thế giới về nông nghiệp. Israel cũng là đất nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng tươi sống và là nhà tiên phong trong nền nông nghiệp công nghệ cao.

Việc đảm bảo được nguồn cung cấp thực phẩm đang là một trong những lo ngại hàng đầu của thế giới trong một kỷ nguyên phát triển như hiện nay. Khi những tài nguyên đang dần cạn kiệt, khi dân số vẫn tiếp tục tăng thì những giải pháp làm nông nghiệp và tích trữ thực phẩm trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Không một đất nước nào khác, đặc biệt không phải một đất nước nào bé và non trẻ như Israel lại cống hiến cho ngành nông nghiệp công nghệ cao nhiều như đất nước này. Vậy họ đã làm thế nào để không chỉ phát triển nền kinh tế của mình mà còn giúp nuôi sống thế giới?

Hệ thống tưới nhỏ giọt

Có lẽ không có bước đột phá nào quan trọng bằng việc phát minh ra hệ thống này. Trong khi ý tưởng này đã từng xuất hiện tại nhiều nước khác, nó lại được phát triển bởi kỹ sư Simcha Blass của Israel, người đã phát hiện ra một hệ thống tưới nhỏ giọt, chậm rãi và cân bằng giúp cây phát triển nhanh hơn. Ông đã phát triển hệ thống dẫn tưới theo một tốc độ chậm được tính toán kỹ lưỡng.

Hệ thống tưới nhỏ giọt nhanh chóng được phổ cập tại nhiều nước trên thế giới. Các mẫu mới nhất còn có khả năng tự làm sạch, duy trì tốc độ tưới mặc cho chất lượng nước và áp suất. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất đối với thành công và sức ảnh hưởng của công nghệ này tới nền nông nghiệp là việc một hệ thống mang tên Tipa đã giúp 700 gia đình làm nông ở Senegal thu hoạch được 3 vụ/năm thay vì 1 vụ như trước đây, kể cả trên vùng đất khô cằn nhất.

“Kén” lưu trữ hạt

GrainPro Cocoons là công ty Israel đã đưa ra một hệ thống đơn giản và tiết kiệm dành cho các nhà nông ở châu Phi và châu Á để lưu trữ hạt giống một cách hiệu quả nhất. Những chiếc túi to được sáng chế bởi giáo sư Shlomo Navarro có thể ngăn được cả nước và không khí xâm nhập. Chúng được dùng một cách rộng rãi tại nhiều nước phát triển trên thế giới, thậm chí tại cả những nước không có quan hệ tốt đẹp với Israel như Palestine.

Khoảng 50% lượng hạt giống cây trồng bị côn trùng và nấm mốc làm hư hại. Những nhà nông thường có xu hướng giữ hạt giống trong những chiếc túi đơn giản, thô sơ, không có khả năng ngăn ngừa sâu bọ và nấm mốc hoành hành. Những chiếc “kén” đã giải quyết được vấn đề này, đảm bảo được độ tươi của hạt giống, kể cả trong điều kiện khắc nghiệt và ẩm ướt nhất.

Thuốc trừ sâu bằng…động vật

Một công ty mang tên Bio-Bee đã sản xuất ra động vật trừ sâu cho nhà kính và các ruộng ngoài trời. Giám đốc nghiên cứu của công ty, tiến sĩ Shimon Steinberg cho biết, sản phẩm bán chạy nhất của công ty là các chú nhện màu cam dài 2mm, hữu hiệu trong việc tiêu diệt sâu bọ. “Khoảng 60% lượng dâu được sản xuất ở California (Mỹ) từ năm 1990 được chăm sóc bằng phương pháp diệt sâu này”, ông này cho hay.

Tại Israel, các sản phẩm của Bio-Bee đã giúp cho các nhà trồng ớt ngọt giảm thiểu được 75% lượng hoá chất sử dụng. Hiện công ty này đang xuất khẩu 8 loại động vật trừ sâu tới 32 nước khác nhau, từ Nhật Bản tới Chile.

Giống khoai tây tốt hơn

Sau 30 năm nghiên cứu, giáo sư David Levy đã cho ra đời giống khoai tây có thể lớn lên trong điều kiện nóng, khí hậu khô và sử dụng nước mặn để sinh trưởng. Khoai tây là một trong những nguồn cung cấp dinh dưỡng hàng đầu thế giới, nhưng chưa hề được phát triển trong các khu vực cằn cỗi như Trung Đông. Giờ đây các nhà làm nông có thể trồng khoai tây ở mọi nơi.

Sử dụng nước từ không khí

Tal-Ya Water Technologies đã chế tạo ra các khay nhựa để có thể thu được nước từ không khí, giảm thiểu lượng nước sử dụng trong nuôi trồng tới 50%. Những tấm nhựa này được làm từ nhựa tái chế với khả năng lọc tia UV được đặt xung quanh mỗi cây.

Khi nhiệt độ thay đổi về đêm và sương được hình thành, các đường dẫn trên mặt khay sẽ tích tụ nước và đưa thẳng tới rễ cây. Nhà sáng chế Avraham Tamir nói rằng, các tấm nhựa này cũng ngăn tia nắng mặt trời, hạn chế cỏ dại mọc và bảo vệ cây khi nhiệt độ thay đổi. “Các nhà nông có thể sử dụng ít nước hơn, kèm theo đó là ít phân bón hơn”, từ đó sẽ hạn chế được tỷ lệ ô nhiễm nguồn nước trong lòng đất.

Hệ thống bảo vệ đất

Năm 2010, Đại học Do Thái đã phối hợp với Makhteshim Agan, công ty hàng đầu thế giới về việc bảo vệ đất trồng trọt để phát triển một loại thuốc diệt cỏ có tác dụng chậm và các loại thuốc trừ sâu đặc biệt không làm ảnh hưởng tới côn trùng có ích.

Người Israel đã nghiên cứu ra phương pháp dùng các đường dẫn thẳng vào đất, đưa thuốc diệt cỏ tới tận rễ cây, từ đó làm giảm đi liều lượng cần sử dụng. Tương tự, các loại thuốc diệt sâu đặc trị chỉ nhắm vào những loại sâu này mà không làm ảnh hưởng tới các sinh vật khác.

“Nâng cấp” hạt để tăng năng suất

Các nhà khoa học nông nghiệp của Đại học Do thái, Ilan Sela và Haim D. Rabinowitch đã phát triển TraitUP, một công nghệ độc quyền cho phép đưa vào hạt giống những gien đặc trưng mà không làm thay đổi cấu trúc DNA.

Phương pháp này ngay lập tức nhận được kết quả khả quan. Công nghệ này sau đó được chuyển giao cho công ty Morflora của Israel để phát triển và đưa vào áp dụng trong y học. “Việc đưa vào các tính năng có khả năng bộc lộ sau vài ngày thay vì vài năm mang lại một bước đột phá mới trong ngành nông nghiệp công nghệ cao và sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường hạt giống và nông nghiệp của thế giới”, CEO của Morflora nhận định.

Các giải pháp phần mềm đặc thù

AKOL là công ty chuyên sản xuất phần mềm đặc biệt dành riêng cho từng gia đình để giúp các nhà sản xuất theo dõi và tăng sản lượng rau quả của mình. Sử dụng cloud của IMB, dự án của AKOL cho phép các nhà nông trên toàn thế giới khả năng giao tiếp với các chuyên gia Israel. Hàng trăm nghìn hộ có thể nhận được các giải pháp dành riêng cho mình, tham khảo và học tập từ những mô hình khác trên thế giới.

Các ứng dụng của AKOL sẽ tư vấn cho người làm nông thời điểm thích hợp để cấy, tưới nước và thu hoạch, cách lựa chọn hạt giống tốt nhất, cách bảo quản và lưu giữ hạt giống dựa trên khí hậu của từng vùng, cách theo dõi tốc độ phát triển của vật nuôi, cây trồng, kèm theo những hình thức quản lý vĩ mô.

Hệ thống quản lý trang trại bò sữa

SAE Afikim là 1 trong 10 công ty Israel đang đầu tư vào dự án trị giá 500 triệu USD trong 5 năm vào ngành sữa Việt Nam. Hệ thống này sẽ quản lý, theo dõi chế độ của 30,000 con bò tại 12 trang trại, cung cấp 300 triệu lít sữa mỗi năm.

Trung Quốc cũng đã cử các nhóm kỹ sư của mình tới Israel để học tập và nghiên cứu cách tăng sản lượng sữa.

Nuôi cá trong sa mạc

Điều tưởng chừng như chỉ xuất hiện trong phim viễn tưởng lại đang được thực hiện tại Israel. Hệ thống “không xả thải” sử dụng công nghệ GFA của Israel cho phép loại bỏ tất cả các tạp chất có thể gây ảnh hưởng tới môi trường khi nuôi cá, kèm theo đó không cần điện hay một nguồn nước gần kề. Những vi khuẩn đặc biệt sẽ cho phép lọc nước ngay trong bể mà không cần xả thải.

Hiện công nghệ này đang được áp dụng tại các nước tiên tiến. Trang trại lớn nhất sử dụng công nghệ GFA nằm tại New York, Mỹ, và sản xuất hơn 100 tấn cá các loại vào năm 2010./.

Hoàng Việt/Báo VOV

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Olam và tham vọng 500.000 nhà vườn thông minh vươn khắp thế giới

Tập đoàn Olam đưa công nghệ vào từng bước trong chuỗi cung ứng của hãng.

Vào một ngày nắng cuối tháng 7 ở Lampung, một thị trấn nông nghiệp ở phần phía nam đảo Sumatra của Indonesia, một nhân viên của Olam International bận rộn lòng vòng ở các vườn cacao, thu thập dữ liệu từ các chủ vườn. “Cây cacao của ông đã bao nhiêu tuổi?”, anh hỏi. “Năng suất ca cao bao nhiêu?”. Anh ta rút smartphone của mình ra và gõ các chi tiết khác nhau vào một ứng dụng, bao gồm loại cây, tuổi cây và sản lượng thu hoạch, cùng với tuổi tác và một bức ảnh của một trong các thợ làm vườn.

Mục tiêu 500.000 nhà vườn khắp thế giới

Ứng dụng này là một phần của hệ Thông tin nhà vườn Olam (OFIS), một cơ sở dữ liệu mà tập đoàn nông nghiệp gốc Singapore này hy vọng năm 2020 sẽ đưa vào 500.000 nhà vườn khắp thế giới. Tới nay, hơn 100.000 nhà vườn ở 21 nước đã được đăng ký trong hệ thống. Olam sản xuất và tiếp thị một loạt nhiều loại nông sản và các thành phần thực phẩm, bao gồm các loại hạt, càphê, cacao, bông và dầu cọ. Kinh doanh chủ yếu của công ty là tìm nguồn các sản phẩm từ các nông gia, trong một số trường hợp tự chế biến luôn, cung ứng chúng cho các hãng thực phẩm và đồ uống lớn như Nestlé, Unilevervà PepsiCo.

Trong khi công ty phải đối mặt với những đối thủ mạnh, trong đó có các tập đoàn nông nghiệp Mỹ như Cargill, Louis Dreyfus của Hà Lan và công ty nông doanh toàn cầu gốc Singapore Wilmar International, Olam là nhà cung ứng số một thế giới hạt điều, hạt cacao, hành và tỏi khô. Công ty cũng là nhà trồng hạnh nhân hàng đầu và đứng thứ hai về cung cấp càphê và gạo.

Khi công nghệ đóng một vai trò ngày càng lớn trong cách vận hành các công ty, Olam đang đặt cược vào trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để phát triển các sáng kiến làm nông thông minh nhắm vào việc gia tăng tính hiệu quả, chất lượng và truy xuất nguồn gốc tại các nhà vườn cung ứng khắp thế giới của hãng.

OFIS là chìa khoá để mở các mục tiêu này. Dữ liệu thu thập được tại hiện trường được đưa vào một nền tảng trực tuyến để cung cấp một cái nhìn toàn diện, “một cửa” (one-stop) về các hoạt động tại từng trang trại. Nền tảng này có thể dùng với nhiều cách, như định vị trí chính xác một trang trại để tính toán khoảng cách đến nguồn nước gần nhất và các nhu yếu canh tác khác.

Bằng cách phân tích dữ liệu hệ thống thu được, Olam có thể đề xuất phương pháp tốt nhất cho từng trang trại, như là lượng phân bón phù hợp để dùng hoặc cây che bóng nào nên trồng để tạo ra môi trường tốt nhất trong sản xuất cacao. Một số các gợi ý này được tự động tạo ra bởi OFIS, trong khi các gợi ý khác được các nhà nông học của Olam đưa ra. Trong một số trường hợp, công ty cung cấp cho các nhà vườn cây giống, phân hoặc các vật liệu để ghép, đổi lấy sản phẩm.

Một cuộc cách mạng nhỏ

Các nông dân canh tác quy mô nhỏ chiếm phần lớn trong số những nhà cung ứng của Olam. Họ chủ yếu tập trung ở Đông Nam Á và châu Phi, nơi các trang trại nhỏ thường có nguồn tài chính hạn hẹp và ít truy cập được thông tin về công nghệ canh tác mới nhất. Đó là một lý do mà Olam, với mạng lưới gồm 4,3 triệu nông dân sản xuất nhỏ, thành lập một đội ngũ số hoá nội bộ vào năm ngoái để khai thác việc sử dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp.

OFIS trực thuộc Olam Direct, một trong những chương trình do đội ngũ chuyên gia của Olam thiết lập. “Chúng tôi đang hợp nhất tất cả hệ thống hiện nay để có thể phát triển một phương tiện số trực tiếp cung cấp thông tin nguồn gốc từ nông dân”, báo Nikkei Asian Review dẫn lời Sunny Verghese, đồng sáng lập kiêm CEO của Olam. OFIS cũng là một phần không thể thiếu trong tính bền vững và các sáng kiến xã hội của công ty. Cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin về địa điểm của các cơ sở giáo dục và nơi nào đang được Olam đang đưa ra các chương trình xã hội, cho phép công ty nhận diện những vùng còn thiếu và đưa đến đó các chương trình mới. Olam cho rằng sáng kiến OFIS không chỉ đem lại lợi ích cho các nông dân quy mô nhỏ, mà còn đem lại lợi ích cho chính Olam.

Theo Trần Bích (Thế Giới Tiếp Thị)

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Ra mắt mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao

Dự án Trung tâm hợp tác nông nghiệp thông minh vừa được Tập đoàn FPT (Việt Nam) và Tập đoàn công nghệ thông tin Fujitsu (Nhật Bản) công bố hoàn thành sau hơn một năm xây dựng tại Hà Nội.

Đây là kết quả bước đầu trong khuôn khổ dự án hợp tác nông nghiệp thông minh đã được hai tập đoàn giới thiệu vào tháng 10/2014. Theo đó, FPT phối hợp với Fujitsu trong việc triển khai thử nghiệm công nghệ nông nghiệp thông minh và tiến tới chuyển giao công nghệ này tại Việt Nam.

Với diện tích hơn 400 m2, đặt tại xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu không chỉ là nơi giới thiệu mô hình kinh doanh (business model) mới của Fujitsu có khả năng liên kết mọi ngành nghề, mọi loại hình doanh nghiệp, tổ chức trong xã hội, mà còn là nơi ứng dụng toàn bộ những kỹ thuật tối tân, những kiến thức và bí quyết dành cho lĩnh vực nông nghiệp mà Fujitsu đã đúc rút được từ trước đến nay.

Hai mô hình sản xuất “Nhà kính – Green house” và “Nhà máy rau – Vegetable factory” được vận hành để trồng thử nghiệm và giới thiệu những loại cà chua, rau củ có giá trị gia tăng cao.

Mô hình “Nhà kính” là dịch vụ dành cho nhà sản xuất nông nghiệp, được trang bị hệ thống cảm biến sẽ thu thập mọi thông tin về môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, CO2, lượng ánh sáng, lượng mưa, hướng gió, tốc độ gió v.v…) theo thời gian thực, từ đó tự động điều khiển mành che, cửa sổ, quạt… Nhờ vào hệ thống thiết bị hiện đại cũng như áp dụng phương pháp trồng trọt tiên tiến tại Nhật Bản, mô hình sẽ tạo ra các sản phẩm cà chua cỡ vừa, có hàm lượng dinh dưỡng và độ ngọt tự nhiên rất cao.

Mô hình “Nhà máy rau”, sẽ áp dụng phương thức trồng trọt hoàn toàn khép kín. Tại đây, hệ thống cảm biến sẽ thu thập mọi thông tin về môi trường của dung dịch dinh dưỡng, tốc độ truyền điện… từ đó có những điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển của các loại rau quả.

Hai tập đoàn FPT và Fujitsu kỳ vọng Trung tâm hợp tác sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ là địa chỉ để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân nhận chuyển giao công nghệ để cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và năng suất của nông sản Việt Nam.

Nguồn: nangluongsachvietnam.vn

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Nông nghiệp 4.0

Campuchia áp dụng công nghệ nano siêu hiện đại vào nông nghiệp

GroGenesis, một công ty công nghệ nông nghiệp toàn cầu, hồi tuần trước đã công bố việc ký kết chính thức một thoả thuận phân phối với công ty Curewel International tại Phnom Penh.

Thoả thuận sẽ cho phép Curewel International phân phối sản phẩm AgraBurst PRO ở Campuchia, Lào, Sri Lanka và Việt Nam.

Sandeep Majumdar, chủ tịch và giám đốc điều hành Curewel International, cho biết công ty ông hài lòng đối tác với GroGenesis phân phối AgraBurst PRO trong vùng. “Tôi có một niềm đam mê thực sự trong việc tạo ra sự khác biệt đáng kể cho đất nước tôi và cho vùng Đông Nam Á, nơi mà nhiều người dân đeo đuổi nghề nông để mưu sinh, có mức thu nhập đủ mua nhu yếu phẩm cũng như các sản phẩm tiêu dùng theo ý thích”, ông nói. “Bất kỳ sự cải thiện nào về lợi tức đầu tư đều chảy vào nền kinh tế quốc gia. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể tạo ra một tác động quan trọng về nông nghiệp khi đưa AgraBurst PRO đến nông dân và công ty trong vùng”.

AgraBurst PRO là chất gì?

AgraBurst PRO là một chất hoạt động bề mặt dạng nano, phổ rộng, không GMO, hữu cơ, giúp tăng cường khả năng cây trồng sử dụng các dưỡng chất trong phân bón; giảm sử dụng phân. Sản phẩm cải thiện sức sống tự nhiên của các loại cây trồng. Sản phẩm kích thích mạnh mẽ dưỡng chất và nước cây trồng hấp thu.

Giải pháp là một chiết xuất từ thực vật hữu cơ, không độc, không chứa chất gây ung thư, dễ phân huỷ về mặt sinh học và an toàn khi sử dụng. Ứng dụng của sản phẩm này là làm tăng khả năng tự nhiên để cây trồng hấp thu dưỡng chất qua tán lá và phát triển bộ rễ để hấp thu từ đất. AgraBurst PRO tạo điều kiện vận chuyển nhanh chất dinh dưỡng ở cấp độ tế bào, bằng cách cải thiện quang hợp và tăng cường hấp thu các chất chính từ đất để tăng trưởng: nước, carbohydrate các loại, và khoáng.

Sản phẩm này là một dẫn xuất tăng cường hoàn toàn tự nhiên giúp cho cây thẩm thấu trực tiếp nước và dưỡng chất qua bộ lá. Cơ chế hoạt động này tiết kiệm chi phí từ việc ít dùng phân bón hơn. AgraBurst PRO là một công thức tạo ra sự trao đổi ion chuyển các dưỡng chất của NPK và các nguyên tố vi lượng, bằng cách làm giảm độ căng và độ nhớt bề mặt trong chất carbohydrate thực vật, tạo ra một con đường tự nhiên để tiếp dẫn dưỡng chất các carbohydrate qua bộ lá, cành và rễ với năng lượng tối thiểu.

Sản phẩm làm cho những đặc tính hoạt động bề mặt tự nhiên của bộ lá tăng lên, cho phép hấp thụ nhanh hơn và hiệu quả hơn ánh sáng, nước và dưỡng chất ở cấp độ tế bào. Trong hợp chất cũng có một chất diệt cỏ tự nhiên.

Việc tối ưu hoá độ hấp thụ của cây trồng còn giúp kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại, nông dân có thể tối thiểu hoá chi phí đầu vào, giảm nguy cơ độc hại cho nhân công và cung cấp thực phẩm lành mạnh cho các gia đình nông dân và người tiêu dùng.

Đẩy nhanh tăng trưởng bằng nông nghiệp

Tại một hội nghị về phân phối toàn cầu ở Phnom Penh, Campuchia, Richard Kamolvathin, CEO của GroGenesis, đã có bài phát biểu “Đẩy nhanh tăng trưởng GDP qua nông nghiệp” trước 150 cử toạ. Đó là những nhà phân phối, tiểu phân phối từ chín nước Nam Á – Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Sri Lanka, và Việt Nam, hai nước Nam Mỹ – Colombia và Peru, và một nhà phân phối từ Thuỵ Sĩ tham gia diễn đàn.

Theo ông, những nước nông nghiệp có thể tạo ra sự đóng góp đáng kể cho GDP, khi có khả năng tối ưu hoá hiệu quả và khuyến khích trồng trọt hữu cơ.

Kamolvathin nói: “Tất cả các nước đều có các thách thức trong việc tăng GDP. Nhưng những nước trọng nông nghiệp có một cơ hội duy nhất để đẩy mạnh đáng kể tốc độ tăng GDP, bằng cách giúp cho các nông dân trở thành những nhà quản lý đất đai giỏi, đồng thời tăng năng suất cây trồng của họ với chi phí đầu vào hiệu quả. Cải thiện đời sống của nông dân bằng cách ứng dụng việc sử dụng các chất bón cây trồng an toàn, giúp tăng thu nhập cho các nông hộ là một nhiệm vụ lõi của GroGenesis”.

GroGenesis là một công ty Mỹ tại Sioux Falls, bang Dakota Nam. Sản phẩm lõi của công ty là AgraBurst PRO.

AgraBurst PRO tăng năng suất đáng kể khi thử nghiệm trên đồng. Sản lượng tăng từ 15 – 40% tuỳ theo cây trồng và đất đai.Thử nghiệm trên đồng xác nhận:

– Thời gian nảy mầm thực vật ngắn hơn.

– Gia tăng sức tăng trưởng cây trồng.

– Cải thiện bệnh và kháng hạn.

– Năng suất cao hơn.

Phù hợp cho bất kỳ thổ nhưỡng, khu vực và loại cây trồng nào.

Theo Khởi Thức (Thế Giới Tiếp Thị)

Chuyên mục
Nông nghiệp 4.0

Thử nghiệm phương pháp thủy canh bằng nước thải ở Đức

Các nhà nghiên cứu Đức đang thử nghiệm xử lý và tận dụng nước thải cho phương pháp thủy canh để tiết kiệm tối ưu nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp.

Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của Cộng hòa Liên bang Đức (BMBF) hiện đang hỗ trợ dự án “HypoWave” – sử dụng nước thải đã xử lý trong canh tác thủy canh và phát triển dự án này thành một phương thức canh tác tiết kiệm nước phổ biến trong sản xuất nông nghiệp.

Trong phương pháp thủy canh, cây không mọc lên từ đất mà hấp thụ chất dinh dưỡng có trong nước. Rất nhiều công ty sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng kỹ thuật thủy canh vào sản xuất bằng cách hòa chất dinh dưỡng vào nước sạch để nuôi cây trồng. Thực ra người ta có thể thực hiện thủy canh cho cây trồng bằng nước thải vì trong nước thải chứa nhiều chất dinh dưỡng hữu ích với cây trồng, qua đó tiết kiệm được một lượng đáng kể nước sinh hoạt.

“Điều quan trọng là phải xử lý chất thải để tạo ra được lượng dưỡng chất tối ưu trong nước thải để nuôi dưỡng cây trồng”, người đứng đầu dự án, GS. Thomas Dockhorn ở Viện Kỹ thuật môi trường, Đại học Tổng hợp kỹ thuật Braunschweig cho biết. Điều đó có nghĩa là phải khử kim loại nặng, các mầm bệnh và các chất độc hại khác trong nước thải trước khi đưa vào sử dụng cho phương pháp thủy canh.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm ngay gần hệ thống xử lý nước thải ở thị trấn Hattorf, bang Niedersachsen, Đức. Họ dùng một hệ thống khử chất độc hại trong nước thải và sau đó dùng nước này để cung cấp cho hệ thống sản xuất theo phương pháp thủy canh.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn áp dụng một biện pháp kỹ thuật rất quan trong để giữ nước cho cây. Đó là dùng một màng mỏng để thu gom lượng nước bị bốc hơi và dẫn về bể thu gom nước để tái sử dụng. Biện pháp kỹ thuật này rất có ý nghĩa đối với những vùng thường xuyên bị khô hạn.

Tuy nhiên, một vấn đề tiếp theo mà các nhà khoa học phải tiếp tục nghiên cứu, đó là, liệu các cơ sở sản xuất nông sản bằng phương pháp thủy canh nước thải như thế này có thể sản xuất thực phẩm cao cấp và có đạt hiệu quả kinh tế hay không. Do đó, bước tiếp theo mà các nhà nghiên cứu phải làm sẽ là xúc tiến xác định tiềm năng và khả năng tiếp cận thị trường của phương pháp canh tác này thông qua các điều tra thăm dò ở các vùng khác nhau.

Theo tiasang