Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Những sự thật thú vị

10 Sự thật thú vị về ong mật

1. Ong mật  là những loài thụ phấn quan trọng cho hoa, trái cây và rau cải. Điều này có nghĩa là chúng giúp các thực vật khác phát triển! Con ong chuyển phấn hoa giữa hoa, giúp cây cho quả và hạt.

ong-mat-giup-thu-phan

 

2. Ong mật sống trong tổ ong. Các thành viên của tổ được chia thành ba loại:

Ong chúa:  Công việc của ong chúa lá sinh sản những quả trứng, trứng nở thành ong con. Ong chúa cũng sản xuất hóa chất hướng dẫn hành vi của ong khác. Ong chúa có thân dài 20 – 25 mm. Cánh ngắn, kim châm ngắn.

 

Ong thợ:  Tất cả đều là ong cái và vai trò của chúng là để kiếm thức ăn (hoa phấn và hoa quả từ hoa), xây dựng và bảo vệ tổ, làm sạch và luân chuyển không khí bằng cách đánh đôi cánh. Ong thợ là những con ong duy nhất mà hầu hết mọi người nhìn thấy bay quanh bên ngoài tổ. Ong thợ là những con ong cái mà bộ phận sinh dục bị thoái hoá, không có khả năng thụ tinh. Ong thợ thực hiện tất cả công việc của đàn ong: bảo vệ tổ, sản sinh sữa chúa để nuôi ấu trùng, hút mật hoa luyện thành mật ong.

cac-thanh-vien-ong-mat

Ong đực:  Đây là những con ong đực, và mục đích của chúng là kết hợp với ong chúa tạo ra con mới. Ong đực có thân dài 15 – 17 mm. Không có ngòi châm, cánh lớn.

3. Lượng mật ong mỗi con ong hút về cả cuộc đời nó (từ 5 đến 6 tuần) chỉ được khoảng 1/10 muỗng cà phê.

mat-ong

 

4. Nếu ong chúa chết, ong thợ  sẽ tạo ra một ong chúa  mới bằng cách chọn một ấu trùng trẻ (những con côn trùng mới nở) và cho nó một thức ăn đặc biệt gọi là “sữa ong chúa”. Điều này cho phép ấu trùng phát triển thành một ong chúa mới có khả năng sinh sản.

au-trung-ong

5. Một con ong cần phải tìm 4.000 bông hoa để tạo nên đủ một thìa mật ong.

hoa-ong-mat-hut-mat

6. Mỗi con ong có thể phân biệt 170 mùi, có nghĩa là chúng có một khứu giác đặc biệt! Chúng sử dụng thông tin này để liên lạc trong tổ và để nhận ra các loại hoa khác nhau khi tìm kiếm thức ăn.

ong-mat-phan-biet-mui

 

7. Ong thợ sống  trung bình chỉ khoảng 5 đến 6 tuần. Ong mật khi đốt người thì sẽ lưu lại ngòi trên da người, như vậy ong sẽ chết.

tuoi-tho-ong-tho

 

8. Ong chúa có thể sống đến năm năm. Nó  bận rộn nhất trong những tháng hè, nó có thể đẻ2.500 quả trứng một ngày!

ong-chua

9. Một con ong thợ thường bay xa tổ khoảng 2 – 3 km để tìm mật và trên chặng đường này, chúng thường ghé qua  100 nụ hoa trước khi về tổ.

ong-tho-bay-bao-xa

 

10. Ong mật có thể bay khoảng 24km/h với tần số vỗ cánh khoảng 11000 lần/phút.

van-toc-bay-cua-ong-tho

Nguồn : sưu tầm

Chuyên mục
Những sự thật thú vị

12 điều thú vị về dâu tây!

Người La Mã cổ đại coi dâu tây như “thần dược”. Họ thường dùng dâu tây để trị sốt, viêm họng và suy nhược.

Có nhiều điều về trái cây thơm ngon mùa hè này ngoài vẻ ngọt ngào của nó.

1. Dâu tây là loại quả đầu tiên chín vào mùa xuân

dau-tay-chin-vao-mua-xuan

Hẳn loại quả tuyệt đẹp này biết rằng chúng ta không thể chờ lâu để thưởng thức vị tươi ngon thuần khiết, nên dâu tây chọn mùa xuân để mở đầu cho các loài hoa thơm trái ngọt.

2. Trung bình mỗi quả dâu có 200 hạt trên vỏ

hat-dau-tay

Thêm vào đó, dâu tây là loại trái cây duy nhất có hạt ở ngoài vỏ.

3. Mặc dầu có tên là dâu tây (strawberry), nhưng chúng lại không thuộc họ dâu (berry)

hoc-cua-dau-tay

Chúng thuộc loại hoa quả giao phối giả (nghĩa là loại quả mà một phần của cùi quả không bắt nguồn từ nhụy hoa mà từ mô bên ngoài gần lá noãn.

Xét về thuật ngữ chuyên ngành thực vật học, họ dâu (berry) cần phải có hạt ở trong. Nhưng dâu tây lại là một họ riêng vì quả dâu tây không bắt nguồn từ một nhụy hoa đơn lẻ.

4. Hạt dâu có thể mọc thành cây dâu mới

hat-dau-tay-any-mam

Tuy nhiên, khi ăn dâu tây, chúng ta thường ăn cả hạt dâu.

5. Khi đi qua những luống dâu, hãy tận hưởng mùi thơm ngào ngạt của hoa dâu tây

luong-dau-tay

Được coi là thành viên thuộc họ hoa hồng, hoa dâu tây tỏa hương thơm ngọt ngào trên những bụi dâu tây.

6. Là một loại cây lâu năm, cây dâu tây sẽ luôn mọc trở lại từ năm này qua năm khác

dau-tay-moc

7. Có một phương pháp lạ là trồng chậu dâu tây trên giàn cao đang được ứng dụng rộng rãi

trong-dau-tay-ten-chau

Đặt những chậu dâu tây trên giàn cao. Dâu tây được giữ tránh khỏi mặt đất để khỏi bị côn trùng tấn công và khỏi mắc các bệnh có nguồn gốc từ đất.

8. Người La Mã cổ đại tin rằng dâu tây là một “thần dược”

dau-tay-la-than-duoc

Họ sử dụng dâu tây để chữa trị mọi căn bệnh, từ suy nhược cho đến sốt và viêm họng.

9. Người châu Mỹ bản địa cũng nằm trong số những người đầu tiên ăn dâu tây

nguoi-dau-tine-an-dau-tay

Họ thậm chí còn giới thiệu cho những người châu Âu nhập cư về loại quả này.

10. Có 3 loại dâu khác nhau: Dâu ra quả tháng 6, dâu trĩu quả (trái mùa) và dâu ra hoa quanh năm.

cac-loại-dau-tay

Dâu ra quả tháng 6 có hương vị thơm ngon nhất.

11. Đừng ngâm dâu tây trong nước nếu chưa ăn

so-che-da-tay

Ngâm nước sẽ khiến dâu tây nhanh hỏng.

12. Dâu tây được yêu thích ở một số nơi trên thế giới

Có một viện bảo tàng ở Bỉ chuyên về dâu tây. Ở thị trấn Delaware của Mỹ, có hẳn tuần lễ dâu tây tổ chức hàng năm từ 21-27/5.

tuan-le-dau-tay

LiLy (theo Country Living/Good House Keeping)

Chuyên mục
Những sự thật thú vị

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm?

Ba năm trước, nước mắm truyền thống vướng phải vụ Asen Hữu Cơ – Vô Cơ. Chưa được đính chính lại đàng hoàng thì mới đây lại là giới hạn mập mờ về lượng Histamine được phép có trong nước mắm. Do đó, FoodMap tổng hợp bài này mong muốn đem đến cho mọi người cái nhìn khách quan và cụ thể hơn về vấn đề này.

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm

ASEN LÀ GÌ?

Asen tồn tại ở hai dạng là VÔ CƠ và HỮU CƠ.

Khi ở dạng vô cơ, hay còn gọi là thạch tín, Asen trở thành một chất cực độc đối với cơ thể. Các dạng này thường tồn tại trong đất và nước, nhiễm vào người thông qua thức ăn hoặc nước uống. Asen vô cơ có độc tính cao, làm tăng nguy cơ ung thư và có thể dẫn đến tử vong khi hấp thụ một liều lượng lớn hoặc tích lũy Asen nồng độ thấp trong thời gian dài. Hợp chất Asen vô cơ tồn tại trong nước ngầm có thể gây nhiễm độc.

Trong khi đó, Asen hữu cơ tồn tại trong các loại thực phẩm tự nhiên như gạo, rau quả, các loại hải sản, trong đó có CÁ BIỂN, nguyên liệu chính dùng để sản xuất nước mắm. Theo Cơ quan Y tế Virginia, Mỹ, Asen hữu cơ KHÔNG tích tụ trong cơ thể người, mà tự đào thải trong một hoặc hai ngày, do đó không gây độc hại gì tới cơ thể. Bởi vậy, nhà chức trách liên bang Mỹ không đặt ra bất cứ giới hạn nào cho hàm lượng Asen HỮU CƠ trong thực phẩm.

ASEN CÓ TRONG NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG. TỐT HAY HẠI?

Trong nước mắm có chứa Asen và lượng Asen này chủ yếu là Asen hữu cơ có nguồn gốc từ CÁ BIỂN – nguyên liệu chính dùng để sản xuất nước mắm. Nước mắm từ xa xưa vẫn được bà con sản xuất theo phương pháp ủ chượp nguyên liệu chính là cá và muối theo tỉ lệ (3:1) trong các thùng gỗ lớn hoặc hầm xi măng trong suốt thời gian từ 9 tháng đến 15 tháng để cho ra đời những giọt nước mắm tinh túy phục vụ cho bữa ăn hàng ngày.

Chính vì trong cá vốn có chứa lượng Asen tự nhiên nhất định nên trong nước mắm bản chất có chứa Asen cũng là điều dễ hiểu. Vì lượng Asen này là Asen hữu cơ nên không những hoàn toàn KHÔNG gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn bổ sung vi chất có lợi theo nhu cầu cơ thể. Nếu dư thì cơ thể sẽ tự đào thải thông qua đường tiết niệu hoặc đường tiêu hóa, do đó không tích tụ trong cơ thể. Một thực tế là nước mắm có độ đạm càng cao (tức hàm lượng cá càng nguyên chất) thì hàm lượng Asen hữu cơ càng cao.

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm

Nước mắm công nghiệp cũng có chứa Asen hữu cơ vì về cơ bản nguồn nguyên liệu để sản xuất nước mắm công nghiệp là mắm cốt. Tuy nhiên mắm cốt chỉ chiếm một phần nhỏ trong quá trình sản xuất, do đó lượng Asen hữu cơ cũng như vi chất có lợi cho cơ thể ở đây THẤP hơn so với nước mắm truyền thống nhiều. Đó là chưa kể những chất phụ gia, chất bảo quản, hương liệu được thêm vào trong nước mắm công nghiệp, nên không thể đảm bảo công dụng tốt của lượng Asen hữu cơ ít ỏi có trong nước mắm công nghiệp.

HISTAMINE TRONG NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG THÌ SAO?

Tiêu chuẩn nước mắm của Codex có quy định: “Sản phẩm không được có hàm lượng histamine lớn hơn 400mg/lit”. Đây là một quy định gây ra khá nhiều bất công cho nước mắm truyền thống vì họ cơ bản chưa hiểu được bản chất của Histamine và quy trình làm ra nước mắm nguyên chất.

Nước mắm truyền thống được làm từ các loại cá thuộc họ thu – ngừ (cá trích, cá cơm), loại cá có nhiều thịt đỏ, chứa nhiều axit amin histidine. Ở điều kiện lên men cá trong thùng chượp, loại axit amin này sinh ra Histamine.

Nước mắm truyền thống có độ đạm cao (30-40 độ đạm), nên lượng Histamine luôn ở mức cao, từ 700 – 1200mg/lit là chuyện rất bình thường, nhưng chưa bao giờ có ghi nhận trường hợp ngộ độc Histamine do nước mắm. Chỉ tiêu thấp như tiêu chuẩn thì chỉ có nước mắm công nghiệp là đáp ứng được, vì là nước mắm pha loãng nên chỉ còn 10 độ đạm, rồi thêm các loại hương liệu, phụ gia mới có thể đạt Histamine thấp lý tưởng như vậy.

Bạn hiểu gì về Asen và Histamine trong nước mắm

Cơ thể người có thể dung nạp một lượng Histamine nào đó, nhưng nếu ăn nhiều quá, từ 1500 – 4000mg (chẳng hạn như ăn cá biển bảo quản không kỹ) thì mới bị ngộ độc Histamine.

Ngưỡng quy định Histamine trong cá biển từ 100 – 200mg/kg, một ngày ăn khoảng 200g cá, vậy mà có điều bất hợp lý là ủy ban Codex quốc tế lại quy định Histamine ở mức ở mức 400mg/lit, trong khi mỗi ngày chỉ ăn được khoảng 10-20ml nước mắm là nhiều, có ai có thể uống được cả lit nước mắm một ngày. Điều đó có nghĩa là hàm lượng Histamine hấp thụ vào cơ thể qua nước mắm rất ít, chỉ khoảng 8mg, không thể đủ gây nguy hiểm cho người dùng. Trước đây thợ lặn của ta trước khi lặn xuống biển còn uống một chén nhỏ nước mắm, chắc cũng khoảng tầm 50-100ml, mà cũng chưa bao giờ thấy ghi nhận trường hợp nào thợ lặn bị ngộ độc Histamine do uống nước mắm như vậy cả.

Như vậy, khó có thể xảy ra ngộ độc Histamine do nước mắm, mà có chăng là sử dụng nước mắm kết hợp với các loại cá biển đã bị ươn để chế biến thức ăn, hoặc là do người đó có cơ địa mẫn cảm. Vậy đưa ra giới hạn Histamine đó quả là có chút bất công đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống.

Vậy, là người tiêu dùng, chúng ta nên hiểu rõ những chất có trong thực phẩm mình đang tiêu thụ và sáng suốt nhìn nhận những thông tin đa chiều để tránh bị hiểu sai, đánh đồng nước mắm công nghiệp với nước mắm truyền thống, để đưa ra lựa chọn thông minh nhất cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

———————–

Nguồn: Tham khảo từ chuyên gia Vũ Thế Thành và DNAFood

Chuyên mục
Những sự thật thú vị

THÙNG GỖ LÀM NƯỚC MẮM CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

Gỗ để làm thùng ủ nước mắm phải là loại gỗ đặc biệt, siêu chịu mặn, không tiết ra chất có thể làm ảnh hưởng đến mùi vị và màu sắc của nước mắm nguyên bản. Bời lời là một trong số ít loại gỗ đáp ứng được những yêu cầu khó nhằn này.

Để làm ra được những chiếc thùng khổng lồ có sức chứa hơn cả chục tấn này, những người thợ tài hoa phải mất cả hàng tháng trời mới xong. Một thùng gỗ có chất lượng tốt có thể dùng được vài chục năm, thậm chí cả trăm năm nếu được sử dụng thường xuyên và bảo quản tốt.

THÙNG GỖ BỜI LỜI ĐƯỢC LÀM RA NHƯ THẾ NÀO?

Đầu tiên, gỗ được lựa chọn kỹ và đem xẻ thành những tấm dày từ 3-4cm, rộng từ 10-20cm, rồi ngâm nước, phơi nắng từ 2-3 tháng cho hết chất nhựa cây và để gỗ sau này khỏi bị cong. Người thợ phải tính toán chi li từng milimet để khi ráp lại từng miếng ván phải khít rịt nhau, để nước mắm không bị ngấm hay rỉ ra ngoài. Ở giữa các thanh gỗ có chèn thêm vỏ cây tràm; vỏ cây này khi gặp nước sẽ nở ra, bịt kín các khe nhỏ li ti của thùng.

Tiếp theo, khâu được xem như khó nhất, thể hiện tay nghề của thợ là niềng thùng bằng các đai tre. Đai phải vừa đủ độ thít, nếu chặt quá thì thùng sẽ bị nứt hoặc nổ (thùng bị bọp vào phía trong và phát ra tiếng kêu rất lớn), còn lỏng quá thì bị rò nước. Do đó, niềng được độ vừa phải cũng là cả một nghệ thuật.

Đai được làm bằng mây xanh hoặc mây đỏ bứt trên rừng. Từng đai được bó, xoắn cẩn thận bằng 70 sợi mây, mỗi sợi to bằng cỡ ngón tay, có chiều dài trên dưới chục mét. Quấn đai cũng là cả một nghệ thuật vì chỉ có những người thợ chuyên nghiệp, lành nghề mới có cách “giấu mối” để người bình thường nhìn vào sẽ tưởng đó là một sợi đai nguyên. Người ta vô đai bằng cách lật úp thùng lại. Ba chiếc đai miệng thùng được vô đầu tiên, sau đó phải ngưng lại cả tháng trời để vách thùng khô mới vô tiếp.

Công đoạn cuối cùng là công đoạn xảm thùng gỗ – rất quan trọng trong việc đảm bảo cho thùng nước mắm không bị rò rỉ. Bột dùng để bịt các khe hở được tạo thành bằng cách nấu bột trai (vỏ của con trai, sò nung lên, nghiền ra) và trộn với dầu dái – loại cây mà cho ra loại dầu đặc trưng, vừa dẻo quạnh, vừa chắc chắn. Hỗn hợp đó sau khi chít vào các mạch gỗ, khô rồi, chắc nanh, dùng sức người không thể cạy lên được.

Các khe tiếp nối giữa thành đáy và mặt gỗ còn cho thêm bột phao tre (tức cây tre nghiền thành vỏ) trộn đều để tăng khả năng trương nở, kết dính. Quá trình đó được người thợ thao tác tỉ mỉ, cẩn thận.

Sau khi hoàn thành, người thợ còn phải kiểm tra đi kiểm tra lại rất kỹ để đảm bảo thùng chịu được mặn và không bị rò rỉ.

Vậy đó, để làm nên thùng gỗ bời lời hoàn chỉnh cũng lắm công phu, cũng cần lắm cái tâm của người thợ, mới có thể ủ được mắm với hương vị và màu sắc nguyên bản như vậy. Nước mắm truyền thống nhờ vậy cũng đẹp hơn, không chỉ vì chất lượng cá, muối hay thùng gỗ, mà đã trở thành linh hồn, là một phần không thể thiếu gắn kết người dân với mảnh đất nơi họ sinh ra và lớn lên.

—————————-

Tham khảo: Báo Tuổi Trẻ

Chuyên mục
CÂU CHUYỆN NÔNG SẢN Đặc sản ngon Những sự thật thú vị RÌ VIU

Độc Đáo Ly Cà Phê 3 Miền

CÀ PHÊ TRỨNG – THỨC UỐNG ĐỘC ĐÁO NGƯỜI HÀ THÀNH

Nhắc tới cà phê Hà Nội, ngay lập tức bạn sẽ được kéo ngay tới quán cà phê Giảng và được giới thiệu về cốc cà phê trứng- thức uống độc đáo của người Hà Thành.

Cà phê trứng được khởi sinh sáng tạo bắt nguồn từ việc thiếu…sữa. Tương truyền cụ Nguyễn Văn Giảng từng là đầu bếp nổi tiếng tại khách sạn Metropole đã sáng tạo ra món cà phê đặc biệt này. Vào năm 1940, khi mọi thứ đều khan hiếm, ông trăn trở muốn tạo ra một thức uống ngọt ngào vị sữa và kem như Cappuchino, tuy nhiên, để làm ra một cốc cappuchino thời đó khá đắt đỏ với cà phê, kem, váng sữa…thì sao người Việt có thể uống nó hàng ngày được? Và ông đã trăn trở, liệu có thể làm món đồ uống hấp dẫn, không đậm đà như cà phê phin mà nhẹ nhàng, ngọt ngào được không? Liệu có thể tạo ra món Cappuchino Việt Nam với nguyên liệu khác, phù hợp với người Việt hơn không?

Và sau nhiều lần thử nghiệm của ông thì món cà phê trứng đã ra đời.

Cà phê trứng tại Giảng

Ảnh: Cà phê trứng tại Giảng

Nguyên liệu để làm cà phê trứng khá đơn giản, gồm trứng gà tươi, đường, sữa, cà phê. Lòng đỏ trứng được đánh bằng máy với sữa, đường rồi đổ lên cốc cà phê đen. Cốc cà phê trứng thường được giữ nhiệt bằng một chiếc tách để nước nóng và không phải là món có thể uống nhâm nhi vì để lâu sẽ dễ bị tanh. Khi cốc cà phê trứng nóng hổi được bưng ra, hãy cầm thìa khuấy nhẹ để kem trứng hoà quyện với lớp cà phê. Hãy nhớ cách uống là hãy dùng sự khéo léo của mình để làm thế nào uống sao cho hai thức uống này trộn vào nhau. Sự bông mềm mịn ngọt ngào tưởng chừng chẳng liên quan với vị đắng đen của cà phê nhưng khi uống rồi thì cảm nhận chắc chắn là sự pha trộn hoàn hảo đầy quyến rũ. Chả thế mà cà phê trứng là một trong những đồ uống trong TOP 17 loại cà phê đáng thử nhất trên Thế Giới, là cốc cà phê mở đầu cho sự khám phá hành trình văn hoá Việt Nam.

ĐẬM ĐÀ, CHẬM RÃI LY CÀ PHÊ MIỀN TRUNG

Ở miền Trung hay đặc biệt là thành phố Huế mộng mơ thì lại không sáng tạo một món cà phê nào cố hữu. Hay chăng muốn nói về cà phê miền Trung lại muốn nói về vị cà phê đậm đặc và cách thưởng thức tinh tế, chậm rãi đậm chất người miền Trung sống sâu đậm, nghĩa tĩnh.

Đà Nẵng nổi tiếng với cà phê Long

Đà Nẵng nổi tiếng với cà phê Long

Cốc cà phê thường rất ít và đậm đà hơn rất nhiều so với ly cà phê miền Nam và miền Bắc. Thường chủ quán hay phục vụ cà phê với phin pha trực tiếp rồi để cho khách ngồi chờ từng giọt cà phê rơi xuống cốc, chậm rãi, nhẹ nhàng. Một phin chỉ chắt lọc ra được tầm 1/5 cốc nhỏ. Sau khi chờ phin chảy xuống cốc hết thì người uống có thể hoà đường rồi bỏ một viên đá to đủ để làm lạnh chứ không để cà phê bị pha loãng quá nhiều, rồi ngồi nhâm nhi chút cà phê bên các quán cóc giản dị. Một điều khá thú vị là quán cà phê miền Trung thường ở gần các khu yên tĩnh, thanh bình được trang trí hết sức nhẹ nhàng. Vào quán, người miền Trung thường nói chuyện nhỏ nhẹ, chả bao giờ nói lớn bỗ bã, thỉnh thoảng ngồi im lặng ngắm thời gian trôi bên ly cà phê nhỏ giọt. Quán cà phê như quán thiền giúp người ta tĩnh tâm hơn, trầm ngâm, gợi cho ta những nỗi vui buồn, những kỷ niệm bên cốc cà phê đậm đà, như một thú vui thanh tao thường ngày vậy.

BẠC TẨY XỈU PHÉ – NGỌT NGÀO NHƯ NGƯỜI SÀI GÒN

Ở Hà Nội có cà phê trứng thì ở Sài Gòn, bạn bắt buộc phải thử một cốc bạc xỉu nhiều đá và sữa rồi. Bạc xỉu xuất phát từ cụm “bạc tẩy xíu phé” (bạc là màu trắng, tẩy là cái ly, xỉu là một chút, phé là cà phê), nghĩa là cà phê pha thêm chút sữa. Bạc xỉu cũng là thức uống sáng tạo của người dân lao động, và thật kì lạ cũng bắt nguồn từ việc…thiếu sữa tươi hồi trước. Sữa tươi vì là mặt hàng xa xỉ nên sữa đặc Ông Thọ hay Con Chim được thay thế. Tuy nhiễn sữa đặc pha nóng có vị hơi ngái nên người ta mới nghĩ ra việc thêm chút vị cà phê để át mùi ngái đó. Thế là món bạc xỉu được ra đời.

ly-bac-xiu

Cà phê Vợt Sài Gòn

Cốc bạc xỉu cũng rất đặc trưng với phong cách uống cà phê nơi đây. Khác với người Huế và Hà Nội, cách uống cà phê của người Sài Gòn hết sức hào sảng và họ coi cốc cà phê không chỉ là thức uống nhâm nhỉ mà còn là nước giải khát. Vì là giải khát nên cốc cà phê thường rất ngọt, gần như át hết vị đắng của cà phê và được cho rất nhiều đá. Cốc cà phê thường được pha rất loãng đựng ở ly cốc cao. Ở Hà Nội và Huế thường được phục vụ phin và cốc còn ở Sài Gòn thì cà phê chủ yếu sẽ pha sẵn và uống cà phê bằng…ống hút, nên nếu một người Hà Nội hay Huế vào Sài Gòn chắc sẽ có một cú sốc văn hoá nhẹ về văn hoá uống cà phê Sài Thành này. Và người Sài Gòn cũng không quen uống cà phê kiểu Hà Nội hay Huế vì cốc cà phê quá đậm và phong thái uống quá chậm rãi vậy.

Cốc cà phê được ví như một di sản văn hoá không chính thức của người Việt. Cốc cà phê phin đen đậm với từng giọt phin rơi chậm rãi xuống đáy cốc luôn là một hình ảnh gắn bó với người dân Việt từ xưa tới nay, tuy nhiên ở đó lại là những câu chuyện khác nhau tạo ra cà phê Việt mỗi vùng miền một màu sắc riêng, hết sức đa dạng, độc đáo. Và cách thưởng thức cà phê của người Việt mang phóng thái thư giãn luôn là hình ảnh không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của người Việt.

——————–

Nguồn: kentheroad

Chuyên mục
Nghiền cà phê Những sự thật thú vị Thương hiệu tử tế

Quy Trình Chế Biến Ướt Arabica

Có nhiều cách chế biến cà phê; mà nói chung, mục đích cuối cùng là để tách được hạt nhân bên trong cùng của trái cà phê và mang đi rang xay (cà phê gồm lớp vỏ thịt, lớp màng nhầy, lớp vỏ trấu, vỏ lụa, rồi mới tới nhân). Mỗi cách chế biến sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng cuối cùng của hạt cà phê. Do đó chọn phương pháp nào cho phù hợp với từng dòng cà phê là rất quan trọng.

(Ảnh: Prime Coffee)

Hiện có hai cách chế biến cà phê phổ biến nhất là chế biến khôchế biến ướt. Chế biến khô đơn giản là thu hái cà phê rồi phơi (sấy) khô, sau đó tách vỏ lấy nhân xanh. Chế biến ướt không cần phơi cà phê trước, mà cà phê khi thu hái xong sẽ đem xay xát ngay để bỏ lớp vỏ thịt, ngâm lên men, phơi rồi lại xay xát để loại bỏ lớp vỏ trấu lấy nhân. Tất cả các công đoạn chế biến ướt thường chỉ diễn ra trong vòng 48 giờ, do đó giúp đảm bảo chất lượng hạt được lưu giữ nguyên bản nhất. Trong khi đó, quá trình chế biến khô thường kéo dài từ 3-7 ngày do đó dễ khiến cà phê bị biến vị, chưa kể khi phơi dễ gặp trời mưa, ẩm mốc, nếu không có kỹ thuật và bảo quản tốt, chất lượng cà phê rất dễ bị ảnh hưởng.

Chế biến ướt đòi hỏi nhiều máy móc và công sức hơn, do đó thường áp dụng cho cà phê Arabica vì giá trị kinh tế cao hơn. Tại SHIN, Arabica luôn được thực hiện theo phương pháp chế biến ướt, mới giữ được vị chua thanh, thơm nhẹ mùi trái cây nguyên bản. Dưới đây là quá trình chế biến ướt tại SHIN mà FoodMap đã tìm hiểu được trong quá trình khảo sát cà phê A Lưới. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé:

Đầu tiên là công đoạn thu hái cà phê bằng tay. Cà phê được cẩn thận HÁI CHÍN 100% để có chất lượng đồng đều nhất. Sau đó lại được CHỌN LỰA lần nữa để loại bỏ trái xanh, hạt hư, cành lá, tạp chất,… Bước này cần được thực hiện càng sớm càng tốt để tránh cà phê bị mất nước sẽ giảm chất lượng.

Ảnh: Quy Trình Chế Biến Ướt – Arabica

Sau đó tiến hành XAY XÁT cà phê để loại bỏ lớp vỏ thịt bên ngoài. Bước này cũng cần tiến hành nhanh để tránh quá trình lên men ngoài ý muốn và phát sinh các vị lạ trong hạt cà phê.

Ảnh: Quy Trình Chế Biến Ướt – Arabica

Tiếp theo là mang hạt cà phê đi NGÂM LÊN MEN để loại bỏ lớp màng nhầy. Lớp màng này khá cứng đầu nên không thể loại bỏ bằng cách xay xát thông thường. Quá trình lên men nội tại cũng như sự tham gia của các vi sinh vật sẽ giúp phân hủy lớp màng nhầy nhanh chóng mà ít tốn công hơn. Khi nắm cà phê trên tay không còn cảm giác nhầy, trơn trượt mà có cảm giác “sỏi” nham nhám của lớp vỏ trấu là hoàn thành. Sau đó cà phê được đem đi rửa sạch và mang đi PHƠI.

Lúc này cà phê chỉ còn lớp vỏ thóc và hạt nhân, do đó khi phơi xong sẽ được mang đi XAY XÁT lần nữa để loại bỏ vỏ thóc và lấy hạt nhân.

Ảnh: Quy Trình Chế Biến Ướt – Arabica

Bước tiếp theo là RANG. RANG CÀ PHÊ là một công đoạn cực kỳ quan trọng, quyết định chất lượng và hương vị cuối cùng của cà phê. Nếu độ nóng khi rang không đều sẽ dễ làm hạt bị cháy vỏ ngoài mà bên trong chưa chín, sinh ra nhiều bột than, ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị. Những cách rang thông thường sử dụng nhiệt từ lửa để đun nóng trực tiếp thì nếu làm không khéo, sẽ rất dễ bị cháy và bị bụi than như vậy.

Cách rang cà phê ở SHIN có một điểm đặc biệt rất tối ưu là sử dụng máy rang công nghệ Hot Air (sử dụng luồng khí nóng thay vì dùng nhiệt từ lửa để đun nóng trực tiếp), giúp hạt cà phê được chín đều từ trong ra ngoài, do đó mang lại trải nghiệm hương vị trọn vẹn nhất .

Ảnh: Quy Trình Chế Biến Ướt – Arabica

Ngoài ra, mỗi loại cà phê sẽ được thiết kế một “profile” riêng để rang, đảm bảo được tính đồng nhất trong chất lượng của mỗi mẻ rang. “Profile” được thiết kế dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của người thợ để tạo nên phong cách hương vị phù hợp với từng loại cà phê.

Hạt cà phê sau khi rang xong phải được LÀM NGUỘI càng nhanh càng tốt để giữ được hương vị ngon nhất.

Về cà phê A Lưới – Huế, đây có thể xem là một loại cà phê vùng miền khá độc đáo vì trước giờ chưa hề có cà phê nào được trồng tại Huế xuất hiện trên thị trường. Arabica A Lưới được thực hiện cẩn thận đúng như quy trình trên để giữ lại vị chua thanh, nhẹ nhàng, thơm mùi trái cây tươi mới, kết hợp một chút với hương vị mạnh mẽ của Robusta để tạo ra một hương vị hài hòa, cân bằng mà không kém phần độc đáo. 

Mời bạn tìm hiểu thêm về hành trình hạt cà phê A Lưới từ mảnh đất nghèo vùng cao đến tay những người yêu quý hương vị cà phê nguyên chất tại ĐÂY.

——————-

FoodMap Team 

Chuyên mục
Những sự thật thú vị

Hoa chim ruồi – loài hoa đẹp như chuyện cổ tích giữa đời thường

Thế giới xung quanh ta có vô số những điều kì diệu và bí ẩn. Thiên nhiên thường đem đến cho ta những điều hết sức kinh ngạc và internet chính là phương tiện để giúp chúng ta khám phá được những điều này.

Mới đây, một người dùng mạng xã hội Reddit có tên là OctopusPrime đã đăng tải một bức ảnh về một loài hoa lạ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và thích thú. Bông hoa này có màu xanh lá cây, và hình dáng của nó lại trông giống hệt một con chim ruồi nhỏ.

Bài đăng đã thu về 47500 lượt upvote và hơn 400 lượt bình luận chỉ sau một ngày. Hầu hết mọi người đều tò mò không biết đây là loài hoa kì lạ nào vì chưa từng nhìn thấy một lần nào trước đây.

“Ở Costa Rica có loài chim ruồi vô cùng nhỏ, kích thước của chúng tương đương với bông hoa này. Thậm chí có một số con còn nhỏ hơn vậy.”

“Lý do tiến hóa đằng sau hình dáng của bông hoa là gì? Hay đây chỉ là một sự trùng hợp kỳ quái?”

“Cây này là cây gì vậy, trông chúng thật xinh đẹp!”

“Thiên nhiên thật nhiệm màu!”

“Thoạt nhìn, tôi cứ tưởng đây là một đôi bông tai.”

Theo tác giả bài đăng, loài hoa này có tên là Crotalaria cunninghamii. Cô đã chụp bức ảnh này ở Exmouth, Úc. Do đây là tên khoa học rất khó phát âm và ghi nhớ, vậy nên mọi người đã gọi nó là hoa chim xanh hay hoa chim ruồi.

flower-like-hummingbird-green-birdflower-15-5d120c0c99347__700

Được biết, loài cây này có nguồn gốc từ phía tây của Australia. Loài cây này phát triển tốt ở những vùng nhiều cát, và đó cũng là lý do tại sao nó chủ yếu được tìm thấy ở những cồn cát dọc bãi biển. Loài hoa này còn được những người thổ dân địa phương dùng để điều trị nhiễm trùng mắt.

Cùng ngắm thêm những hình ảnh xinh đẹp của loài hoa này nhé!

flower-like-hummingbird-green-birdflower-2-5d120bec7a963__700
Chuyên mục
Những sự thật thú vị

Những Sự Thật Thú Vị Về Hạt Mắc Ca

Bên cạnh vòng hoa choàng cổ và những quả dứa, hạt mắc ca cũng là hình ảnh gắn liền với đảo Hawaii. Trên thực tế, thật khó có thể tin được rằng loại hạt gắn liền với tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ này thực chất lại bắt nguồn từ Úc.

Những thổ dân từ Down Under đã thưởng thức hạt mắc ca trong hàng nghìn năm. Các nhà nghiên cứu ở châu Âu đã biết về hạt mắc ca từ đầu thế kỷ 19, nhưng chỉ đến năm 1857 một nhà hóa học người Úc gốc Scotland, John Macadam, mới dành thời gian tiến hành nghiên cứu về loại hạt này. Và hạt mắc ca đã vinh dự được đặt tên theo tên của nhà nghiên cứu ấy.

Cây mắc ca đầu tiên được trồng ở Hawaii vào năm 1882. Đất núi lửa màu mỡ cùng khí hậu ấm áp đã cung cấp điều kiện lý tưởng cho cây mắc ca phát triển mạnh mẽ. Ngày nay, Hawaii là một trong những nơi sản xuất hạt mắc ca lớn nhất thế giới.

Ngoài việc trở thành biểu tượng của Hawaii, hạt mắc ca còn ẩn chứa nhiều điều thú vị khác:

1. Cây mắc ca ra quả trong vòng 5 đến 8 năm kể từ khi trồng. Cây có thể cao đến 12m và sống tới cả trăm năm.

Trang trại mắc ca ở Queenland – Úc

2. Cây mắc ca thích phát triển ở những nơi có khí hậu ấm áp. Đó là lý do vì sao bạn có thể thấy chúng được trồng ở Hawaii, Úc, Brazil, Nam Phi và California (Mỹ).

Trang trại mắc ca ở Queensland – Úc

3. Việc thu hoạch mắc ca rất dễ dàng. Khi đã chín và sẵn sàng để thu hoạch, hạt mắc ca sẽ rơi xuống khỏi cây và được nhặt trên mặt đất.

Thu hoạch mắc ca ở trang trại Queensland – Úc

4. Ngay cả khi dễ thu hoạch, mắc ca vẫn là loại hạt đắt tiền nhất thế giới. Ngoài việc được đánh giá cao về hương vị thơm ngon và hàm lượng chất béo cao, mỗi cây chỉ cho ra một số lượng quả giới hạn vào mỗi mùa.

Quả mắc ca khi còn xanh

5. Trong số bảy loài cây mắc ca, chỉ có hai loài cho ra hạt ăn được.

Nhân hạt mắc ca rất giàu dinh dưỡng

6. Hàm lượng chất béo trong nhân hạt mắc ca có thể lên đến 80%. Dầu chiết xuất từ hạt mắc ca không chỉ được dùng trong nấu nướng nhưng cũng được dùng trong mỹ phẩm.

Dầu mắc ca với nhiều công dụng

7. Mắc ca là loại hạt chứa nhiều calo nhất. 100 grams (khoảng 2/3 chén hoặc một nắm) hạt mắc ca chứa 718 calo.

So sánh lượng hạt cùng chứa 100 calo

8. Hạt mắc ca với màu trắng sữa và hương vị tinh tế được dùng làm nước sốt và phô mai thuần chay cho người sành ăn.

Phô mai thuần chay làm từ hạt mắc ca

9. Vẹt lục bình, loài vẹt có nguồn gốc từ Nam Mỹ thường ăn trái cây, các loại hạt và nhân hạt, sở hữu một chiếc mỏ lớn đủ mạnh để mở hạt mắc ca.

Vẹt lục bình đang dùng mỏ để tách hạt mắc ca

Bạn còn biết điều gì thú vị về loại hạt cứng nhất thế giới này? Hãy chia sẻ cùng FoodMap nhé.

Mách nhỏ là FoodMap hiện đang mở bán hạt mắc ca Úc 100%, không dùng phẩm màu, hương liệu, hay bất cứ hóa chất nào. Nhập mã “VUITETSUMVAY” lại còn được giảm thêm 5% (Chương trình kéo dài từ nay đến hết ngày 31/01/2019).

MUA HẠT MẮC CA ÚC TẠI ĐÂY

Nguồn: http://servingjoy.com/fun-facts-of-macadamia-nuts/

https://www.finedininglovers.com/stories/macadamia-nuts/

Biên dịch bởi: FoodMap

Chuyên mục
Những sự thật thú vị

Sự Thật Về Công Nghệ Chế Biến Đường Thốt Nốt

Hương vị đường thốt nốt, đặc sản của vùng đất An Giang

Bài viết được chia sẻ với sự đồng ý của tác giả Lâm Quang Hiển

Khi đến thăm An Giang, ấn tượng khó quên trong lòng du khách là hình ảnh những hàng cây thốt nốt vút cao với những người nhanh nhẹn trèo lên đọt cây hứng từng giọt nước ngọt lịm vào những ống tre. Ghé qua những lò nấu đường ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, có dịp chứng kiến tận mắt phương pháp làm đường thủ công từ những giọt nước thốt nốt hứng từ trên cây, thưởng thức hương vị béo ngậy của từng hạt đường tan vào trong miệng; ta mới hiểu vì sao mà đường thốt nốt trở thành một đặc sản không chỉ riêng của An Giang mà còn là của đất nước Việt Nam đối với bạn bè trên thế giới.

Đường thốt nốt - Đặc sản An Giang

Cây thốt nốt tại An Giang có tên khoa học là Borassus Flabellifer là một trong những chi họ thốt nốt Borassus thuộc loại họ cau Arecaceae sống rất nhiều tại các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Malaysia, New Guinea….Thân gần  giống như cây dừa nhưng chúng cao và thọ hơn nhiều, nếu cây trên 100 năm tuổi có thể cao tới 30m. Lá thốt nốt có hình chân vịt dài khoảng 2-3m, cuống lá tựa như mo cau xếp xung quanh thân . Hoa nhỏ, mọc thành từng chùm dày đặc thuộc loại đơn tính. Quả lớn màu nâu hoặc màu hạt dẻ hình hơi tròn, xẻ ra bên trong có 3 múi . Gọt lớp bao lụa bên ngoài sẽ lộ ra múi bên trong có màu trắng hơi dẽo ăn rất ngon nên thường được mọi người ưa chuộng. Nếu kết hợp với nước thốt nốt lấy từ trên cây sẽ là một loại hình giải khát có tác dụng giải nhiệt và bổ sung nhiều loại vitamin cho cơ thể.

Từ “thốt nốt” có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “th’not”. Dân địa phương đôi khi đọc trại ra thành thốt lốt riết nên quen. Loại cây này được sử dụng toàn bộ không sót một thứ gì : thân cây già trên 50 tuổi được đánh bóng để đóng bàn ghế, làm đũa.., lá dùng lợp nhà thay lá dừa  tại các phum sóc, trái làm nước giải khát còn nếu chín thì dùng để tạo hương cho bánh bò thốt nốt nổi tiếng ở vùng Bảy núi , nước có thể cho lên men để làm rượu thốt nốt gọi là rượu arac hoặc cô đặc lại để làm nên loại đường thốt nốt. Ngoài ra nghệ nhân Võ văn Tạng  huyện Thoại Sơn còn dùng lá thốt nốt sấy khô ghép lại để tạo nên một loại hình tranh nghệ thuật bằng lá thốt nốt nổi tiếng trong và ngoài nước.

Đường thốt nốt - Đặc sản An Giang

Câu chuyện làm ra đường từ cây thốt nốt này là cả một huyền thoại được đồng bào Khmer truyền tụng qua nhiều đời. Chuyện kể rằng có một người nông dân chăn bò nằm nghỉ trưa bên dưới cây thốt nốt. Đang thiu thỉu ngủ, ông ta bổng giật mình tỉnh giấc vì có một giọt nước ngọt lịm từ trên cao rơi xuống ngay miệng mình. Ông lồm cồm ngồi dậy dáo dác nhìn quanh vẫn không phát hiện được điều gì. Tò mò ông trèo lên cây xem thử mới biết rằng những giọt nước vừa rơi xuống xuất phát từ đọt của cây thốt nốt bị gãy ngang. Ông vội vàng mang ống tre đựng nước uống của mình lên hứng những giọt nước do trời ban tặng đem về nhà khoe với vợ con. Vì vậy từ đó đến nay người dân vẫn giữ tập quán dùng ống tre làm phương tiện hứng nước thốt nốt từ trên cây xuống. Do nước thốt nốt để lâu ngày sẽ bị lên men chua không dùng được, đồng bào Khmer mới nghỉ cách chế biến thành rượu và cô đặc lại thành đường tán như hiện nay.

Giải thích tại sao mà trước đây nước thốt nốt trước đây có mùi vị đặc trưng của khói xông, một người sống lâu trong nghề làm đường thốt nốt giải thích rằng: do ống tre chứa nước thốt nốt dễ bị hư hỏng do bị chất đường thấm vào và mối mọt hủy hoại khi qua mùa lấy nước nên người dân nãy ra sáng kiến dùng hơi nóng những lỗ thông gió nơi lò nấu đường để sấy khô các ống tre này. Vì vậy nước thốt nốt có mùi đặc trưng của hơi khói từ lò nấu đường này. Đến nay nông dân đã chuyển sang việc dùng ống cao su và bình nhựa để hứng nước còn ống tre thì chỉ phơi nắng nên mùi khói cũng mất theo.

Đường thốt nốt - Đặc sản An Giang

Công nghệ làm đường thốt nốt cũng lắm công phu và tùy theo tay nghề của người thợ mà chất lượng đường có thể khác nhau. Nước từ trên cây xuống phải được nấu để cô lại thành đường chảy ngay trong ngày bởi vì nếu để lâu thì dễ bị chua do quá trình lên men xãy ra bên trong nước thốt nốt. Lò được xây ngay bên trong nhà và có thể sử dụng nhiều nhiên liệu để chụm lửa như trấu, củi,than đá…. nhưng phổ biến vẫn là trấu bởi vì dễ tìm và giá thành hạ. Bí quyết ở chổ là nhìn độ sôi của đường là người thợ có thể biết được và điều chỉnh nhiệt độ của lò chính xác. Ngoài ra bằng trực giác người thợ chỉ cần nếm nước thốt nốt cũng có thể biết được hàm lượng của đường bên trong và có thể tính được số lượng vôi thêm vào để khử độ chua của đường.

Đường thốt nốt - Đặc sản An Giang

Bước thứ hai là đường chảy sẽ được bàn tay của người thợ chế biến thành đường tán để có thể vận chuyển dễ dàng và bảo quản được lâu. Công nghệ này tuy đơn giản nhưng cũng lắm công phu. Đường chảy được cho vào nồi và nấu chảy lỏng ra để loại bỏ những tạp chất trong quá trình sơ chế trước. Nhiệt độ của đường không được quá 80⁰ C bởi vì nếu nhiệt độ quá cao thì đường sẽ bị caramen hóa và chuyển sang màu vàng sậm làm giảm chất lượng của đường. Người nấu phải khuấy liên tục và vớt lớp bọt lẫn những tạp chất bên trên lớp đường cho đến khi hơi nước bên trong đường bốc hơi và đường cô đặc lại thì mới ngừng. Đường lỏng được đổ thành từng tán hình trụ trong những khuôn được làm từ những lon sửa bò hay lon bia cắt thành hình vòng tròn đặt trên một nền phẵng. Quá trình nguội dần của đường trong tự nhiên cũng là lúc mà chúng kết tinh lại thành những tinh thể mịn. Nếu cắn thử một miếng đường thì cảm giác của vị ngọt và béo của những hạt đường thốt nốt tan bên trong miệng sẽ là một hương vị khó quên của những khách phương xa.Vì thế đường thốt nốt đã đi cùng với bè bạn khắp năm châu nhằm khẳng định đây là một đặc sản của vùng đất An Giang. Trong số những cơ sở làm đường nổi tiếng của thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang có thể kể đến cơ sở Ngọc Trang, Lan Nhi,…. Đường thốt nốt của cơ sở này đã xuất sang các nước như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,Mỹ….rất được người dân ở đây ưa chuộng bởi hương vị độc đáo của nó.

Đường thốt nốt - Đặc sản An Giang

Trong những chuyến hành hương về miền Tây tham quan miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam để cầu lộc mùa xuân, du khách thường hay ghé qua chợ Châu Đốc để mua 2 đặc sản nổi tiếng là đường thốt nốt và mắm Châu Đốc. Những tán đường được gói bằng lá thốt nốt hay trong bao nhựa được hút chân không trông rất bắt mắt trên các cửa hàng khiến du khách không thể nào bỏ qua khi ghé thăm chợ Châu Đốc. Loại đường này nếu ăn cùng với dưa gang ướp lạnh sẽ là món giải nhiệt tốt nhất trong mùa nắng hạn. Cắn một miếng đường, và một miếng cơm nguội sẽ tạo một cảm giác khó quên trong lúc đói lòng. Nếu muốn kho cá hoặc nấu chè đậu xanh thì chọn loại đường chảy chứa trong những hủ nhựa nhỏ xinh xắn. Lúc đó nồi cá kho hay nồi chè sẽ có một hương vị độc đáo khác hẳn khi nấu bằng đường cát trắng.Mắm Châu Đốc nổi tiếng trong và ngoài nước cũng là nhờ được chao bằng loại đường thốt nốt này. Hương vị của đường thốt nốt tạo nên mùi vị đặc trưng của từng loại mắm như mắm thái, mắm lóc, mắm trèn, mắm sặc….mà những nơi khác không thể nào sánh kịp. Ngoài ra du khách còn có thể mua nguyên cả buồng trái thốt nốt hay nước thốt nốt đóng chai đem về làm quà cho người thân. Đây cũng là những kỷ niệm khó quên trong một lần ghé qua đất An Giang.

Đường thốt nốt - Đặc sản An Giang

KS Lâm Quang Hiển

Chuyên mục
Những sự thật thú vị

Chuyện Hài Hước Về Nguồn Gốc Cái Tên “Sầu Riêng” Ở Xứ Ta

Một người ngoại quốc tới Nam Việt từ đầu thế kỷ thứ XIX kể chuyện trong tập ký ức của ông là đời ông đã phải một mẻ khiếp sợ, ấy là ông đã bị bắt buộc ăn trái sầu riêng, nhưng ông cũng thú rằng hết sợ rồi quen và hết quen thành ra mắc nghiện. Ấy là nghiện ăn trái sầu riêng.

Năm ấy ông mới bước chân tới Sài Gòn còn gọi là Tây Cống, thì được mời tới dự tiệc tại dinh một vị đường quan. Vì xã giao ông phải tới, và muốn biết phong tục của xứ ta, ông lấy làm sung sướng mà tới. Người Trung Hoa cho ông trọ đã rỉ tai cho ông tường qua về xã giao của ta thế nào và khuyên ông phải ăn hết thảy những món ăn nào mà chủ nhân mời mình. Người ta mời mà mình từ chối, ấy là khách khinh chủ đấy.

Ông khách ngoại quốc sau khi y phục chỉnh tề, nhảy lên xe ngựa tới dinh dự tiệc. Thôi không thiếu một sơn hào hải vị nào, toàn những thức ăn mà ông chưa từng được thấy ở nước nhà bao giờ, chủ mời ông ăn món gì, ông đều không từ chối. Mà món gì cũng ngon thật, vì nó lạ miệng. Đến khi tráng miệng ông thấy gia nhân mang ra một dĩa lớn trên bày một thứ gì màu vàng nhợt, to bằng hột gà. Chưa để lên bàn ông đã ngửi thoảng thấy mùi giống như trứng hư hệt như phó-mát “ca-măm-be” của người Âu châu.

Một điều lạ khiến ông chú ý là sau khi các dĩa kia đã bày ở trước mặt quan khách thì gia nhân lại đặt ở giữa bàn một cái đỉnh đồng nhỏ trong đốt trầm và hương khói tỏa lên nghi ngút. Mùi trầm hướng đánh át hẳn mùi dĩa thức ăn tráng miệng kia. Chủ nhà trịnh trọng đứng lên mời khách chiếu cố xơi đồ tráng miệng. Ông khách ngoại quốc đưa mắt nhìn xem bạn đồng bàn ăn uống ra sao. Người ta làm gì ông cũng làm vậy. Ông thấy người ta thò năm đầu ngón tay vào cái bát bằng bạc đựng chút xíu nước, trên thả vài lá chanh rồi rửa năm đầu ngón tay để lấy đồ tráng miệng. Ông khách phương xa theo xã giao cùng thò tay dón lấy một miếng, cầm hơi rồi cho vào miệng. Mùi trầm thơm tho át cả mùi rượu, mùi thực phẩm. Ông nhai để nuốt. Nhưng chao ôi!

Ông thấy nó làm sao ấy. Trong miệng ông có một thứ ăn nhun nhũn, mềm mềm và cái mùi nó mấy lạ làm sao. Không ra mùi thịt ôi, chẳng giống mùi phó-mát, nó là một mùi khó tả. Đã cho vào miệng, ông nhai rõ nhanh rồi nín hơi lấy sức nuốt, nhưng ông càng cố gắng nuốt thì lương trí ông không cho, có cái gì nó giữ món ăn mới lạ ở cổ ông. Vẫn cầm hơi, ông ráng sức một lần nữa, đem hết sức bình sinh mà nuốt, mồ hôi toát ra ở trên trán. Thế rồi may mắn cho ông lúc khó khăn ấy, chủ nhân đến trước mặt ông, trịnh trọng hỏi ông ăn phẩm vật có ngon không. Để có thể trả lời, ông nuốt đến ực một cái, thế là cái của nợ ấy, từ mồm ông đã chui tọt vào bao tử ông rồi, khiến ông tươi tỉnh đáp lại lời chủ nhân: “Thưa ngài món ăn này thật là ngon, tôi chưa từng được thưởng thức bao giờ.”

Thấy khách nói vậy, chủ nhân theo lối Á Đông nhất định chiều quý khách, đến gần khẩn khoản mời ông cùng ăn nữa…

(Tranh trong “Văn hóa nguyệt san” số 7, tháng 10-11/1955)

Mồ hôi trán ông lại đổ ra, nghĩ đến phải ăn nữa, quả tim ông đập như trống đánh, hai tai ông ù lên, mắt ông hoa cả đi. Để khách không từ chối, chủ nhân trịnh trọng lấy một miếng để ăn và miệng mời khách. Ông khách của chúng ta thật khó nghĩ, không biết ăn làm sao nói làm sao. Thôi đành:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Để xem con tạo xoay vần ra sao?

Thế rồi như một cái máy, với một bộ mặt vui vẻ, ông thò tay lấy một miếng rồi đồng thời với chủ nhân, ông tươi cười cho vào miệng, để tươi tỉnh nhai rồi tươi tỉnh nuốt. Hết miếng này đến miếng khác, chủ và khách “xơi” hết cả đĩa! Ăn xong, mồ hôi ông khách ra ướt hết cả áo lót mình, như thể tắm dưới sông. Chủ gọi lấy nước chè tàu nóng rồi cùng khách uống và đàm thoại. Ông lấy làm lạ là sau khi uống nước chè tàu, ông thấy vị chè với vị trái cây kia hòa hợp với nhau tạo thành một hương vị đặc biệt, nó thoảng thơm ở trong miệng ông mãi và nó không ghê sợ, không lợm giọng như lúc đầu ông ăn. Ông hỏi chuyện chủ nhân về cái trái gì mà ngon vậy.

Chủ nhân cho mang ra một trái to bằng đầu người, vỏ xù xì mà ông gọi là “trái mít gai”, vì vị nó giống vị mít, hình nó giống hình trái mít. Khách là một nhà bác học chuyên về thảo mộc; ông đã chu du thiên hạ, tham dự nhiều đoàn thám hiểm nghiên cứu về cây cối năm châu. Trông thấy trái này, ông nhận ngay là một trái cây mà ông đã thấy mọc ở Mã Lai và thổ dân vẫn lấy để tế thần rồi mấy ăn. Chủ nhân hỏi khách có biết tên trái này là gì không? Nhớ đến tên mà thổ dân Mã Lai đã bảo ông, ông nói, với giọng người ngoại quốc mới học tiếng Việt:

Trái này là trái Dâu-riăng của người Mã Lai.

Chủ nhân và mọi người đều nhắc lại cái tên là lạ Dâu-riăng ấy. Rồi sau bữa tiệc “vô tiền khoáng hậu” ấy đối với nhà khoa học ngoại quốc kia, tiếng Dâu-riăng được truyền khẩu, một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn, nó đến chợ, nó qua mồm các người nông dân, và tới đầu thế kỷ hai mươi, cái tên thực thụ Mã Lai của trái ấy là Doerian hay Durian, qua một nhà thảo mộc học nói tiếng Việt thành ra Dâu-riăng rồi qua bao nhiêu năm nay đã có cái tên ngộ nghĩnh là Sầu Riêng.

Trái Sầu Riêng thuộc về loại cây bông (gòn) họ man-vát-sê và tên khoa học là Durio zibethinus, trong có nhiều chất bổ như bột (11%), đường ngọt (16%), đạm chất (7%), dầu béo (3%), khoáng chất (1%), và sinh tố A nữa.

Như vậy ăn trái Sầu Riêng kể ra rất bổ tuy cái vị nó bùi, nhưng mùi nó lạ lùng khiến cho ai đã quen thì ưa, và đã ưa đâm ra nghiện. Còn những ai chưa quen thì cho cái mùi ấy nó mạnh làm sao, nó khó ngửi làm sao, và ai có ăn trái ấy là theo “nhân tâm tùy thích”. Xin giữ lấy mùi ấy cho mình nếu muốn thưởng thức lấy toàn hương vị của nó thì phải biết uống nước chè tàu, phải biết ngâm thơ, và phải có nghị lực, theo như câu hát nơi đồng ruộng vùng Lai Thiêu thuộc tỉnh Thủ Đầu Một là nơi sản xuất ra nhiều Sầu Riêng:

Trái chi hương vị lạ đời,
Sầu Riêng ấy trái dễ mời khó ăn.

Nguyễn Công Huân

Bài viết “Lịch sử trái sầu riêng” đăng trên “Văn hóa nguyệt san” số 7, tháng 10-11/1955

FoodMap Team sưu tầm