Chuyên mục
Những sự thật thú vị

‘Bác sĩ tôm’ khởi nghiệp từ 20.000 đồng ở công ty phòng trọ’

Thành lập công ty khi trong túi chỉ còn 20.000 đồng, nhưng anh Xuân đã làm giàu trên quê hương công tử Bạc Liêu và trở thành “bác sĩ tôm”.Những ngày này, Lê Anh Xuân – Giám đốc công ty Trúc Anh tại Bạc Liêu, đang tất bật cho mùa vụ mới. Vừa hướng dẫn công nhân làm ao, thả giống, anh Xuân còn hướng dẫn các kỹ sư nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm vi sinh đạt chất lượng cao, để giúp nông dân nuôi tôm theo công nghệ sạch, giảm thiểu sử dụng hóa chất.

Ông chủ 38 tuổi Lê Anh Xuân quê biển Quảng Xương (Thanh Hóa). Tốt nghiệp đại học chuyên ngành nuôi trồng thủy sản tại Nha Trang, anh vào làm việc cho một công ty công nghệ rồi được đơn vị giao địa bàn Bạc Liêu, với vai trò là một kênh phân phối các chế phẩm vi sinh. Hàng tuần anh kết hợp với ngành thủy sản mở hội thảo về chủ đề nuôi tôm sạch cho nông.

Bác sĩ tôm’ khởi nghiệp từ 20.000 đồng ở công ty phòng trọ’

 

Sau 3 năm sống với người dân các tỉnh ven biển miền miền Tây, anh Xuân quyết định chọn Bạc Liêu làm quê hương thứ hai của mình khi trong túi chỉ còn 20.000  đồng. Vậy mà anh dám “liều mạng” treo biển “công ty Trúc Anh” trước cổng phòng trọ ở đường Trần Huỳnh, TP Bạc Liêu, do mình làm giám đốc kiêm nhân viên, rồi đến ấp Công Điền của xã Vĩnh Trạch (TP Bạc Liêu) thuê 7.600m2 đất để nuôi tôm công nghiệp.

“Gặp bạn bè ai cũng nói tôi khùng, dám liều mạng đánh cược với con tôm vì người nuôi tôm ở Bạc Liêu lâm từng lâm vào cảnh khốn đốn nhất, nhiều đầm tôm bị bỏ hoang do nuôi thua lỗ từ 5-10 trước”, anh Xuân nhớ lại.

Bac-si-tom

Vậy mà vụ tôm đầu tiên với 180.000 con giống, sau 3 tháng 27 ngày, Xuân thu được 4,6 tấn, tôm đạt kích cỡ bình quân 25 con/kg. Nhờ bán giá cao, vụ tôm này chàng kỹ sư trẻ thu lãi ròng gần 400 triệu đồng, đủ trả toàn bộ tiền thuê đất theo hợp đồng 5 năm. Vụ thứ 2 anh Xuân thả 200.000 con giống và trúng đậm như vụ đầu, bỏ túi lãi thêm nửa tỷ đồng.

Thấy Xuân nuôi tôm trúng đậm, nhiều nông dân trong vùng đến học hỏi kinh nghiệm. Anh không ngần ngại hướng dẫn những bí quyết, trong đó có phương pháp nuôi tôm sạch bằng các chế phẩm vi sinh do chính anh sản xuất kết hợp với việc xử lý nước, môi trường, đáy ao theo định kỳ.

Ngoài ra, với thức ăn cho tôm, anh Xuân còn trộn trùn quế với thảo dược. Buổi tối anh cho tôm ăn thêm tỏi trộn với rượu, bởi theo kỹ sư này thì đây là một loại kháng sinh tự nhiên, diệt được 70 loại vi khuẩn gây bệnh cho tôm.

5 năm sau đó, vụ tôm nào Xuân cũng thu lãi vài trăm triệu đồng, quy mô kinh doanh được nâng lên. Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh đã mở rộng thêm quy mô sản xuất các chế phẩm vi sinh và tôm giống sạch bệnh.

Anh Xuân cũng đầu tư 16 tỷ đồng xây tòa nhà nhiều tầng giữa đồng tôm để làm trụ sở công ty, tuyển dụng 70 nhân viên có trình độ cao đẳng, đại học với đồng lương ổn định.

“Bác sĩ tôm” của nông dân

Sở hữu hơn chục ha đất ven biển Bạc Liêu và cầm trong tay tiền tỷ, nhưng anh Xuân như một nông dân thực thụ trong vùng. Ngoài việc cung cấp con giống chất lượng cao và quy trình nuôi tôm sạch cho nông dân, mỗi khi nghe hộ nào có tôm bị bệnh, anh đều đến tận ao để nghiên cứu, tìm ra bệnh và cách chữa trị miễn phí. Nông dân Bạc Liêu gọi anh là “bác sĩ tôm” của mọi nhà.

Hiện nay anh Xuân nuôi cả tôm sú và tôm thẻ cách biển Bạc Liêu khoảng 5 km. Trong đó, tôm sú anh thả với mật độ từ 20-30 con/m2, thu hoạch 5-7 tấn/ha/năm. Tôm thẻ  thả 100-300 con/m2, mỗi ha thu hoạch 20-30 tấn/vụ, và năm nào cũng lãi 3-4 tỷ đồng.

Sau 10 năm phát triển, công ty của anh Xuân đoạt hàng loạt giải thưởng vàng về chất lượng và công nghệ. Sản phẩm của công ty Trúc Anh được Chủ tịch nước tặng giải thưởng TOP 20 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2013.

Cùng với việc tập trung sản xuất, nuôi trồng thủy sản, anh Xuân đã không ngừng học tập nâng cao kiến thức, và đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ Nuôi trồng thủy sản.

Việt Tường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *